Ninh Thuận: Gắn thiết bị “hộp đen” trên phương tiện vận tải còn nhiều bất cập

(NTO) Thực hiện Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 1-7-2013 là hạn cuối cùng tất cả các xe vận tải khách, hàng hóa phải gắn thiết bị giám sát hành trình hay còn gọi là “hộp đen”. Tại tỉnh ta, mặc dù việc lắp đặt “hộp đen” trên các phương tiện đã được thực hiện tương đối đầy đủ nhưng phần lớn còn mang tính đối phó.

Theo quy định, tất cả ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe buýt, kinh doanh vận tải khách hợp đồng, du lịch, vận tải hàng hóa bằng container đều phải gắn hộp đen để giám sát hành trình của xe. Thiết bị này giúp cảnh báo, nhắc nhở lái xe khi đi quá tốc độ, xe hỏng hóc, lỗi kỹ thuật. Mặt khác giúp người quản lý có thể theo dõi được hành trình, tốc độ, tình trạng của xe và kịp thời chấn chỉnh tài xế, qua đó góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Tỉnh ta hiện có 263 xe của 15 đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thuộc diện phải lắp đặt “hộp đen”, trong đó có 1 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt.

 
Xe khách tại tỉnh ta đã lắp đặt hộp đen để giám sát hành trình theo quy định.

Theo Phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT), qua thực tế kiểm tra cho thấy tất cả các phương tiện đã lắp “hộp đen”. Tuy nhiên, các đơn vị vận tải chưa thực hiện hết việc khai thác, quản lý thông tin từ thiết bị này theo quy định. Một số đơn vị vận tải lắp đặt “hộp đen” chỉ với mục đích để đủ điều kiện hoạt động mà không thực hiện, hoặc không duy trì thực hiện việc quản lý, khai thác thông tin từ “hộp đen” để phục vụ công tác quản lý của đơn vị vận tải. Nhiều đơn vị vận tải không có người có đủ hiểu biết về hoạt động của thiết bị hoặc có trình độ để quản lý theo dõi thông tin từ thiết bị này; hầu hết các lái xe không biết phải thực hiện việc đăng nhập hay đổi tên lái xe khi điều khiển phương tiện vì không được hướng dẫn từ nhà cung cấp thiết bị.

Kiểm tra tại 2 hợp tác xã vận tải tại tỉnh, các xe của các xã viên thực hiện việc lắp đặt “hộp đen” đơn lẻ, không do hợp tác xã lắp đặt tập trung nên việc quản lý không hiệu quả, việc cập nhật, lưu trữ, trích xuất các dữ liệu khó khăn. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt có tổng cộng 25 xe đều đã lắp đặt hộp đen nhưng chỉ có 8 xe thiết bị còn hoạt động được, các xe khác hộp đen đã hư hỏng.

Chiều 2-7, chúng tôi tìm hiểu thực tế tại Bến xe Phan Rang, nhiều lái xe không biết vị trí lắp đặt của thiết bị này, cũng như không biết phải sử dụng như thế nào. Một lái xe thuộc nhà xe Anh Khôi, cho biết: Theo quy định, xe này cũng đã lắp “hộp đen” nhưng anh em tôi chẳng biết lắp ở đâu, sử dụng như thế nào cả. Nghe nói khi lắp “hộp đen” mình chạy hay dừng, thì chủ xe sẽ biết nhưng mình cũng không quan tâm, lâu nay anh em chạy xe như thế nào thì vẫn chạy như thế. Theo một số chủ xe cho biết: Khi lắp đặt và bán thiết bị, nhà cung cấp không thực hiện hướng dẫn sử dụng để lưu trữ các thông tin tối thiểu về quá trình khai thác, vận hành của xe, nên anh em không biết sử dụng như thế nào.

Nhằm chấn chỉnh những bất cập trong lắp đặt sử dụng thiết bị giám sát hành trình, Sở GTVT đã giao cho Phòng Quản lý phương tiện và người lái, Thanh tra GTVT và các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải tiến hành giám sát hoạt động của các hộp đen được lắp trên phương tiện; thường xuyên theo dõi phát hiện, nhắc nhở lái xe đối với các vi phạm nhỏ. Đối với các lỗi có nguy cơ gây TNGT cao, ngành sẽ xử lý nghiêm khắc; nhẹ thì phạt hành chính, nặng thì tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải hoặc thu hồi, không cấp đổi sổ nhật trình, phù hiệu chạy xe…

Theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP, xe (thuộc diện phải gắn thiết bị) mà không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe hoặc gắn nhưng không hoạt động, không đúng quy chuẩn, sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đến 3 triệu đồng.