NGÀY BẢO HIỂM Y TẾ VIỆT NAM (1-7):

Bảo hiểm Y tế toàn dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội

(NTO) Thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) cũng như các văn bản chỉ đạo của Trung ương; Thường vụ Tỉnh ủy đã Ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU, ngày 31-1-2013 về việc Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội và BHYT giai đoạn 2013 - 2020. Đây không chỉ là cơ sở quan trọng trong thực hiện chính sách, mà còn thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng đối với công tác BHYT với mục tiêu chăm sóc ngày càng tốt hơn sức khỏe của mọi người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Qua gần 4 năm tổ chức thực hiện Luật BHYT, đến nay tỉnh ta đã có gần 360 ngàn người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 63% dân số toàn tỉnh. Trong đó, 100% người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT.

 
Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn lập thủ tục thanh toán cho người tham gia BHYT. Ảnh: Văn Miên

Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, BHXH tỉnh đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với gần 19 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB). Đồng thời, để đưa dịch vụ y tế về gần dân hơn, Trung tâm y tế các huyện, thành phố đã tổ chức KCB BHYT tại 100% Trạm Y tế cấp xã, phường. BHXH tỉnh phối hợp với ngành Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng KCB BHYT, phối hợp với các cơ sở KCB thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhằm giảm các thủ tục phiền hà, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh có thẻ BHYT. Với những thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ y tế, năm 2012 đã có gần 700 ngàn lượt người bệnh có thẻ BHYT được KCB, tăng 15% so với năm 2011, với số chi gần 120 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2011 và tăng gần 2 lần so với năm 2010. Bên cạnh đó, một số trường hợp mắc các bệnh hiểm nghèo, quỹ KCB BHYT đã chi trả với chi phí lớn mà cá nhân và gia đình người bệnh khó có thể trang trải.

Mặc dù đã đạt được những kết quả khá khả quan, nhưng thực tế việc thực hiện Luật BHYT vẫn còn những bất cập, hạn chế. Vấn đề đầu tiên cần quan tâm, đó là diện bao phủ BHYT mặc dù đã mở rộng nhiều trong những năm gần đây nhưng vẫn còn gần 40% dân số chưa tham gia, tập trung chủ yếu vào nhóm đối tượng tự nguyện, người lao động trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Với HSSV- đối tượng bắt buộc được Nhà nước hỗ trợ nhưng mới có gần 60% đối tượng tham gia. Ngoài lý do còn khó khăn về kinh tế, thực tế cũng cho thấy điều kiện phục vụ của hệ thống KCB dù đã có những bước phát triển nhưng cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế cả về cơ sở vật chất, trang - thiết bị và nhân lực. Chất lượng KCB, nhất là ở tuyến y tế cơ sở và miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân... Điều đó cũng là một trong những vấn đề có ảnh hưởng không nhỏ tới việc mở rộng đối tượng tham gia. Bên cạnh đó, cũng có thể nhận rõ một số hạn chế khác như công tác tuyên truyền ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, người dân thiếu thông tin về chính sách BHYT. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong việc triển khai chính sách BHYT chưa chặt chẽ. Một số quy định trong Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn còn gây nhiều khó khăn cho công tác tổ chức thực hiện như không quy định giới hạn số tháng tuổi trẻ em dưới 6 tháng tuổi KCB bằng các loại giấy tờ khác thay thế thẻ BHYT...

Để hướng tới BHYT toàn dân, cần phải có những giải pháp khả thi trong thời gian tới. Trước hết, các sở, ngành tiếp tục tổ chức tốt các chính sách pháp luật về BHYT; thực hiện Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT… Ngành BHXH và Y tế cần tăng cường thực hiện quy chế phối hợp đã thống nhất, đặc biệt là trong việc xây dựng danh mục thuốc, vật tư y tế, xây dựng bảng giá viện phí, giám định thanh toán chi phí KCB và công tác thanh kiểm tra… Về phía BHXH tỉnh chủ động tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh các biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao và thay đổi nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của chính sách BHYT. Tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp với các nhóm đối tượng. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành chức năng có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án lộ trình tiến đến BHYT toàn dân. Tăng cường công tác giám định tại cơ sở KCB, kịp thời phát hiện, xử lý việc lạm dụng Quỹ BHYT, chú trọng đánh giá chất lượng điều trị, thường xuyên tiếp xúc với người bệnh để tiếp nhận ý kiến góp ý và giải quyết các vướng mắc, đảm bảo quyền lợi BHYT. Hiện đại hóa hạ tầng CNTT phục vụ đắc lực công tác quản lý, điều hành hoạt động.

Với những giải pháp đó, tin rằng những khó khăn trong việc thực hiện chính sách BHYT sẽ được giải quyết, tỉnh ta sớm đạt được những mục tiêu đã đề ra.