Cuộc thi Sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Ninh Thuận lần thứ VII- năm 2013: Những “sáng chế học đường” ấn tượng

(NTO) Giải pháp “Kính hiển vi đa năng”- công cụ hỗ trợ giảng dạy trực quan môn Sinh học; giải pháp “Thiết bị giảm rung” để thực hiện các video clip mềm mượt hơn… hay giải pháp rất “học sinh”-Dụng cụ chống ngủ gật”… là những giải pháp “thông minh” mà các bạn học sinh, thiếu nhi tỉnh ta mang đến tại Cuộc thi Sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Ninh Thuận lần thứ VII- năm 2013.

Cuộc thi được khởi động hằng năm với mục đích khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh-thiếu niên, nhi đồng trong toàn tỉnh; hướng các em vào các hoạt động khoa học, vun đắp ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai. Các nhóm lĩnh vực mà cuộc thi đưa ra như: đồ dùng học tập, sinh hoạt, đồ chơi trẻ em; phần mềm tin học, điện, điện tử; lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế vừa phù hợp với trình độ hiểu biết và khả năng tư duy sáng tạo từng lứa tuổi, vừa thúc đẩy học sinh vận dụng sáng tạo kiến thức đã học.

 
Em Võ Ngọc Thuận học sinh lớp 12A4, Trường THPT Nguyễn Trãi với giải pháp "Thiết bị giảm rung".

Điều mới mẻ của cuộc thi năm nay là các em học sinh cấp TH đã tham gia với nhiều sản phẩm, trong đó có những sáng tạo rất dễ thương như mô hình “Nhà sàn và nhà cao tầng” của em Phan Thị Kiều Trinh và “Ngôi trường của em” của Huỳnh Thị Uyên Nhi, đều là học sinh của Trường TH Thủy Lợi, xã Tân Hải (Ninh Hải)… chứa đựng tấm lòng đối với các bạn học sinh vùng cao, các bạn ở nơi thường xuyên xảy ra lũ lụt cùng những thông điệp tuổi thơ đầy ý nghĩa và được Ban tổ chức đánh giá cao.

Sở hữu thiết bị giảm rung Stadicam có thể dùng cho máy ảnh kỹ thuật số, các dòng máy ảnh DSLR hoặc SOS, máy quay. Em Võ Ngọc Thuận, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết: Quan sát thấy những đoạn video em quay lại thường bị chao, hình ảnh không được đẹp, nhưng mua một cái Stadicam ngoài thị trường thì vượt quá khả năng của em. Thế là em nảy ra ý tưởng tự tạo một cái Stadicam cho riêng mình. Khi trường phổ biến cuộc thi Sáng tạo do tỉnh tổ chức, em có thêm động lực thực hiện. Em rất vui và bất ngờ khi giải pháp “Thiết bị giảm rung” được giải Nhì (không có giải Nhất) và được chọn tham gia cuộc thi toàn quốc.

Chủ nhân của giải Nhì đồng hạng là đôi bạn đến từ lớp 12 môn Lý Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đặng Thái Duy và Diệp Thanh Thái Bảo đã sáng tạo chiếc kính hiển vi đa năng được chọn dự thi toàn quốc. Em Đặng Thái Duy, chia sẻ: Từ 3 thiết thị sẵn có như kính hiển vi, webcam và máy soi vật thể, kết hợp các tính năng của chúng, các em tạo ra chiếc kính hiển vi “3 trong 1”, vừa có thể quan sát những vật thể có kích thước nhỏ vừa cho hình ảnh trực tiếp để nhiều người cùng quan sát, lại có thể lưu giữ hình ảnh. Sử dụng chiếc máy này, giáo viên có thể kết nối với máy vi tính, trình chiếu trên màn hình rộng để tất cả học sinh quan sát cùng lúc. Em nghĩ nếu được ứng dụng thì chiếc kính hiển vi đa năng sẽ là dụng cụ học tập hữu ích mà chi phí lại rẻ hơn nhiều so với những thiết bị bán trên thị trường.

Ngoài 2 sản phẩm “Kính hiển vi đa năng” và “Thiết bị giảm rung” được chọn tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ IX, năm 2013, những giải pháp “Máy cắt cỏ tiện dụng” của Mai Thanh Tiến, học sinh lớp 12 Tin, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; “Dụng cụ hái quả” của Nguyễn Thanh Tâm và “Cánh tay sạch” của Bùi Văn Long đều là học sinh lớp 12A4, Trường THPT Nguyễn Trãi là những sáng chế thiết thực, có thể ứng dụng trong đời sống sản xuất, cụ thể là áp dụng cho hoạt động sản xuất của nông dân. Ông Đỗ Trung Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội Khoa học-Kỹ thuật tỉnh, Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: “So với năm trước, cuộc thi lần này có nhiều giải pháp tham gia, thu hút nhiều đối tượng học sinh hơn. Hầu hết các giải pháp mang tính ứng dụng cao, nếu được nâng cấp, hoàn thiện sẽ phục vụ rộng rãi vào đời sống sinh hoạt, học tập, sản xuất và nghiên cứu khoa học.

Nhìn lại 21 giải pháp, đề tài mà học sinh cả 3 cấp đã nghĩ ra và thực hiện, cho thấy sức sáng tạo của tuổi trẻ trong tỉnh ngày một tiến xa. Một số giải pháp tuy chưa thật hoàn hảo nhưng phản ánh trí tuệ và mong muốn giảm bớt sức lao động trong sản xuất của các em. Điều đó góp phần tạo nên một thế hệ trẻ vừa có trí tuệ, vừa có tấm lòng, hứa hẹn nguồn nhân lực chất lượng cao tương lai cho quê hương.