Trong số 6 môn thi hệ THPT, tỉ lệ đạt điểm 5 trở lên ở môn Ngữ văn khá “khiêm tốn” so với những môn khác nhưng cũng ở mức 81,8%. Dù không bằng năm 2012 (tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT 99,56%; môn văn điểm 5 trở lên đạt 83,3%) nhưng đó cũng là tỉ lệ rất cao trong những năm gần đây. Là giám khảo tham gia chấm thi môn văn, tôi nhận thấy đa số thí sinh hiểu đề, cảm thụ tốt văn chương, diễn đạt xúc cảm hình tượng, có kỹ năng làm bài.
Tuy nhiên cũng có không ít bài viết làm giám khảo phải “dịch” khá vất vả để hiểu thí sinh viết gì vì chữ viết xấu, cẩu thả. Đặc biệt có một số bài làm, thí sinh không xác định được yêu cầu của đề, không cảm thụ được văn bản tác phẩm nên viết lan man, suy diễn tùy tiện theo cách hiểu của mình rất ngô nghê. Trong đó nhiều nhất là ở câu 3.a. (Theo chương trình chuẩn): Phân tích diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật Mị qua cảnh đêm mùa xuân Mị muốn đi chơi và bị trói trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài. Đây là đề văn nghị luận phân tích nhân vật văn học (diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật Mị), trong một khoảng thời gian nhất định trong cuộc đời của nhân vật (đêm mùa xuân Mị muốn đi chơi và bị trói). Yêu cầu của đề rất rõ nhưng rất nhiều em không phân tích đề kỹ để xác định phạm vị nghị luận của đề là rất hẹp nên sa vào việc kể lại chi tiết cốt truyện theo cuộc đời, số phận của nhân vật Mị. Thậm chí có thí sinh còn kể cả quảng đời của Mị và A Phủ khi chạy trốn đến Phiềng Sa.
Một lỗi khá phổ biến của thí sinh khi làm bài văn nghị luận văn học về một tác phẩm văn xuôi là tình trạng học chay nên khi làm bài cũng làm chay nghĩa là học sinh không đọc văn bản tác phẩm, trong khi đó lại là yêu cầu cực kỳ quan trọng trước khi khám phá, cảm thụ giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Do không đọc văn bản tác phẩm hoặc chỉ đọc qua loa nên khi đề ra trong một phạm vi hẹp các em không nhớ các chi tiết trong tác phẩm, sắp xếp không theo trình tự. Có em viết Mị bị A Sử trói đứng vào cột. Nghe tiếng sáo gọi bạn tình tha thiết, Mị lấy chai rượu uống, mị quấn lại tóc, mặc váy để đi chơi. Bị trói đứng vào cột rồi mà còn làm được bao nhiêu việc như thế?! Vậy mà đến cuối bài, khi đánh giá về giá trị nghệ thuật, cũng thí sinh đó lại viết Tô Hoài rất thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc biệt là khả năng miêu tả tâm lý và hành động của nhân vật rất hợp lý, lôgic.
Cũng vì đọc tác phẩm một cách qua loa nên có trường hợp lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Có em viết A Sử rút dây thắt lưng quánh tới tấp vào lưng Mị trong khi chi tiết ấy lại thuộc tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Thậm chí có em còn “sáng tạo” thêm chi tiết trong tác phẩm khi viết rằng Mị bị A Sử trói vào cột. Mị ước gì có A Phủ ở đây để cứu mình. Mị nhớ A Phủ tha thiết (lúc Mị bị trói, Mị chưa từng gặp A Phủ! Do tưởng rằng người yêu của Mị trong quá khứ là A Phủ). Có bài lại viết Mị cùng A Phủ chạy trốn khỏi Hồng Ngài sang đến Phiềng Sa gặp bà cụ Tứ và Tràng (trong khi hai nhân vật bà cụ Tứ và Tràng thuộc tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân).
Về câu 2, văn nghị luận xã hội. Câu chuyện học sinh Nguyễn Văn Nam hy sinh để cứu 5 em nhỏ xảy ra ở Nghệ An hồi tháng 5 vừa qua trở thành chất liệu cho đề thi tốt nghiệp năm nay. Đây là đề thi ra theo hướng mở rất thiết thực vì mang tính thời sự, có tính nhân văn cao, hướng thí sinh đến những sự việc, những tính cách thiết thực nhất trong đời sống, đó là sự dũng cảm, góp phần xây dựng nhân cách cho thí sinh.
Bản thân đề thi đã chạm tới tình cảm thiêng liêng cao đẹp của con người, gợi cảm hứng cho học sinh viết bài. Nhiều em bày tỏ suy nghĩ rất thật khi khâm phục hành động của Nam như: Trong giây phút hiểm nguy có nhiều người chỉ suy nghĩ ảnh hưởng tính mạng nhưng Nam đã không chút do dự và tính toán. Dòng nước chảy xiết cuốn trôi thân thể của Nam, cướp đi tính mạng của Nam nhưng hình ảnh đẹp đẽ của Nam vẫn sống mãi trong trái tim của biết bao người.
Học sinh khác thì viết: Nam đã cứu sống được 5 bạn học sinh và đã mang đến cho chúng tôi những bài học rất cao đẹp về tình thương yêu, lòng trắc ẩn. Nam ơi! Anh hãy yên nghỉ, chúng tôi sẽ noi gương anh trở thành những người hữu ích.
Nhiều bài viết cũng đặt tấm gương của Nguyễn Văn Nam bên cạnh hình ảnh Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa hay lối sống ích kỷ của nhiều bạn trẻ hiện nay để làm nổi bật vẻ đẹp trong nhân cách và hành động của người bạn cùng trang lứa...
Dẫu vậy vẫn xuất hiện số lượng ít bài làm thí sinh viết Nam hơi dại dột, bồng bột sao không kêu gọi mọi người tới trợ giúp mà tự cứu một mình. Bên cạnh đó cũng có những bài khi bàn luận tỏ thái độ trung dung như: Hành động của Nam đáng được tuyên dương. Nhưng em buồn nhiều khi biết gia đình Nam chỉ có mình bạn. Bố mẹ bạn sẽ đau khổ nhiều lắm khi bạn mất đi. Thế nên nếu bình tĩnh em sẽ suy nghĩ lượng sức mình để vừa giúp cứu được những em nhỏ vừa bảo vệ được bản thân.
Đây là đề thi có thể còn nhiều tranh luận. Tuy nhiên, nhìn nhận lại sự việc này để khơi gợi, hun đúc nhân cách sống, đức tính tốt đẹp trong thế hệ trẻ là điều đúng.
Đặng Quang Sơn
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn