Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong tháng 5 vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 9 người, tăng 50% cả số vụ và số người chết so với tháng 4/2013, đẩy số vụ TNGT 5 tháng đầu năm nay lên 55 vụ và “tăng” số người chết lên 61 người; với một phép tính đơn giản cho thấy cứ hơn 2 ngày là có 1 người chết do tai nạn giao thông. Và chắc hẳn trong chúng ta không một ai không rùng mình trước những vụ tai nạn thảm khốc cướp đi không biết bao sinh mạng đang diễn ra hàng ngày; và có bao giờ chúng ta nghĩ mình sẽ mất một người thân trong buổi sáng oan nghiệt nào đó, có nghĩ tới thì mới thấy tai nạn giao thông đáng sợ biết nhường nào. Ấy vậy mà ai ai cũng muốn mình đến đích cần đến nhanh hơn, để rồi đem sinh mạng, cuộc sống của mình ra đánh cá với tử thần.
Có thể nói, những năm trở lại đây, hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh ta được cải tạo, nâng cấp, mở rộng rất nhiều; có chăng đây là một trong hàng chục lí do dẫn đến tai nạn giao thông? Do đường tốt chạy nhanh, không làm chủ tay lái, làm chủ tốt độ..dẫn đến tai nạn. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các đơn vị, địa phương và cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt xử lý, rồi xử lý nghiêm minh kết hợp với việc tuyên truyền dưới nhiều hình thức, lồng ghép vào chương trình giáo dục pháp luật, ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh. Vậy mà vẫn chưa an toàn?
Muốn có an toàn thì phải có văn hóa trong giao thông, ngoài ra phép văn minh, lịch sự cũng là điều cần bàn. Người viết bài này đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp như thế này, khi hai xe đụng nhau, chủ nhân của nó, những người lịch sự - ai cũng cho mình đúng, không ai chịu nhường ai, dẫn đến xô sát, ẩu đả ngay trên đường phố. Đám đông tụ tập xung quanh coi người ta đánh nhau mà không can thiệp vì “chuyện của người, can thiệp dễ bị vạ lây” cho đến khi cảnh sát giao thông đến mới thôi. Rồi thì người tham gia giao thông, nhất là thanh niên đánh võng, luồn lách, lấn tuyến, tìm đủ mọi cách vượt qua đám đông, thậm chí có người còn không đội mũ bảo hiểm hoặc mũ bảo hiểm kém chất lượng, chưa kể đến khi vắng cảnh sát giao thông thì vượt đèn đỏ, cho đến khi tai nạn xảy thì mọi việc đã quá muộn.
Bên cạnh văn hóa, phép văn minh, lịch sự trong giao thông thì ý thức cũng rất quan trọng. Nói đến ý thức con người tức là nói đến ý thức của nhiều thế hệ tạo thành. Việc đưa luật giao thông và nhà trường được thực hiện trong thời gian gần đây. Thế hệ trước đó giờ trở thành ông bà, cha mẹ, không hề trang bị kiến thực của lĩnh vực này. Lẽ dĩ nhiên, họ càng ít có ý thức chấp hành luật vì “mấy chục năm qua tôi vẫn đi như thế có gì xảy ra đâu”. Học sinh ngày nay được học nhưng ra đường thấy người lớn đi sai mà không ai nói gì, thế là chúng bắt chước.
Qua ghi nhận, thời gian gần đây tỉnh ta phát triển rất mạnh loại hình kinh doanh xe vận chuyển khách chất lượng cao, đó là về mặt vật chất, tiện nghi được trang bị, còn về phần tài xế, phụ xe có đạt chất lượng cao như họ đã quảng cáo hay chưa? Xin thưa họ vẫn còn thấp cấp lắm, bằng chứng cụ thể là họ vẫn còn sử dụng rượu, bia, rồi phóng nhanh, tranh giành đường, ngủ gật, bắt khách dọc đường, xem thường hàng chục sinh mạng phụ thuộc vào họ trên tường cung đường, đến khi tai nạn xảy ra thì những chiếc xe chất lượng cao bọc thép có nghĩa gì?
Và điều cuối cùng muốn bàn ở đây là vấn đề chấp hành qui định trong ngành giao thông. Đó là các trường dạy và cấp giấy phép lái xe (cả Ô tô lẫn mô tô) không được nể nang, vì đây là tiền đề tạo cho người tham gia giao thông ý thức chấp hành nghiêm luật giao thông, nhưng ngược lại hễ ai “có tay lái lụa” một tý, cộng với “cái luật” bất thành văn là thi...đậu!? và vô tư sử dụng giấy phép lái xe một cách đường hoàng…
Nếu trong đầu những người tham gia giao thông luôn có chữ văn hóa thôi thì chắc chắn việc giảm thiểu tai nạn là không nhỏ. Bởi nói đến văn hóa giao thông là nói đến hình thức biểu hiện bằng hành vi chấp hành đúng pháp luật theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Đó là văn hóa nhường nhịn, văn hóa không uống rượu, không ngủ gật, văn hóa là biết chạy đúng tốc độ, đúng phần đường, đúng pháp luật..
Ngọc Thảo