Ninh Thuận: Phòng, chống cháy nổ trong kinh doanh xăng dầu

(NTO) Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương, chỉ tính riêng trong năm 2012, bình quân mỗi ngày một cửa hàng kinh doanh xăng dầu (KDXD) trên địa bàn tỉnh bán ra khoảng 3.336 lít xăng dầu. Tỷ lệ này không chỉ dừng lại ở đó mà đang có chiều hướng năm sau cao hơn năm trước.

Cụ thể, năm 2006 tổng số xăng dầu bán ra trên địa bàn tỉnh là 63.796m3, thì đến năm 2012 đã tăng lên 136.405 m3, bình quân hàng năm tăng thêm khoảng 14,74%. Lượng xăng dầu mỗi ngày bán ra khá lớn, đồng nghĩa công tác quản lý an toàn về phòng, chống cháy nổ (PCCN) ở các cửa hàng KDXD cần phải được siết chặt hơn.

Cửa hàng xăng dầu số 1 – Phan Rang, thuộc Công ty Cổ phần Thương mại – Dịch vụ Ninh Thuận
không đảm bảo an toàn cháy nổ và quy chuẩn xây dựng buộc phải ngưng hoạt động.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 109 cửa hàng KDXD, với dung tích bể chứa trên 6.000 m3. Trong đó, nhiều nhất là huyện Thuận Nam với 27 cửa hàng, dung tích bể chứa 1.606 m3; tiếp đến là Tp.Phan Rang – Tháp Chàm có 26 cửa hàng, dung tích bể chứa trên 1.000 m3; huyện Ninh Hải 17 cửa hàng, dung tích bể chứa 812 m3; huyện Ninh Phước 14 cửa hàng, dung tích bể chứa 776 m3; huyện Ninh Sơn 12 cửa hàng, dung tích bể chứa 795 m3; huyện Thuận Bắc 11 cửa hàng, dung tích bể chứa 865 m3 và huyện Bác Ái 2 cửa hàng, với dung tích bể chứa 125 m3.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Hầu hết các cửa hàng KDXD trên địa bàn tỉnh ta đã có sự đầu tư, đổi mới trang- thiết bị và thực hiện tốt việc treo biển hiệu lôgô xăng dầu đầu mối, niêm yết giá trên các bảng điện tử và bán đúng giá niêm yết. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hầu hết các cửa hàng KDXD hiện nay đều chưa có hệ thống thu gom và xử lý dầu cặn, không có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Một số cửa hàng còn xây dựng sát nhà ở, diện tích chật hẹp, không có cây xanh, nên không đảm bảo về an toàn PCCN, làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân trong các khu dân cư. Theo quy chuẩn quốc gia về xây dựng thì các trạm xăng nằm trong khu đô thị phải đảm bảo các yêu cầu: Không được làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông, phải cách lộ giới ít nhất 7m. Còn đối với các trạm xăng nằm gần với giao lộ, khoảng cách từ lối vào trạm xăng tới chỉ giới đường đỏ gần nhất của tuyến đường giao cắt với tuyến đường đi qua mặt tiền của công trình trạm xăng cần bảo đảm ít nhất 50m và phải cách nơi tụ họp đông người như chợ, trường học ít nhất 100m... Nếu chiếu theo quy định này thì hiện trên địa bàn tỉnh ta có rất nhiều cửa hàng KDXD vi phạm. Chỉ cần dạo quanh một vòng Tp.Phan Rang - Tháp Chàm chúng ta dễ dàng nhìn thấy một số cửa hàng không chỉ nằm «lọt thỏm» giữa các nhà dân mà còn rất sát với lề đường, ngay bên cạnh cây xăng nhiều người dân còn vô tư nhóm họp buôn bán mà không hề nghĩ đến nguy cơ tiềm ẩn của việc cháy nổ. Trước thực trang trên, ngày 23-1-2013, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các hệ thống cửa hàng KDXD trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời kiên quyết buộc 3 cửa hàng KDXD nằm trên địa bàn Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, gồm: Cửa hàng Xăng dầu số 4 (gần chợ Phan Rang) thuộc Chi nhánh Xăng dầu Ninh Thuận; Cửa hàng Xăng dầu số 1 (số 1, đường 21 Tháng 8) và Cửa hàng Xăng dầu số 2 (số 753, đường 21 Tháng 8) thuộc Công ty Cổ phần Thương mại – Dịch vụ Ninh Thuận phải ngưng hoạt động do không đảm bảo điều kiện về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và quy chuẩn về xây dựng. Ông Nguyễn Hữu Phúc, người dân ở Tp.Phan Rang – Tháp Chàm bày tỏ: Chúng tôi rất đồng tình với việc UBND tỉnh buộc các cửa hàng KDXD không đảm bảo quy chuẩn và nằm sát khu dân cư phải ngưng hoạt động, tỉnh cần mạnh tay hơn để xử lý triệt để đối với các cửa hàng KDXD không đạt chuẩn, có như vậy người dân mới yên tâm sinh sống.

Mạng lưới KDXD trên địa bàn tỉnh ta trong vài năm gần đây phát triển khá nhanh. Chỉ tính từ năm 2004 đến tháng 12-2012 đã có thêm 46 cửa hàng bán lẻ xăng dầu phát triển mới. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong số 354 lao động đang trực tiếp làm việc tại các cửa hàng thì chỉ mới có 233 người được đào tạo về nghiệp vụ KDXD, chiếm tỷ lệ 65,82%. Đây cũng chính là lý do vì sao thời gian qua, việc đảm bảo an toàn PCCN tại các cửa hàng xăng dầu luôn là vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm.

Đại tá Trần Văn Thành, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ, cứu nạn - Công an tỉnh, cho biết: Qua phân tích cho thấy, nguyên nhân xảy ra cháy nổ ở các cửa hàng KDXD chủ yếu là do bất cẩn trong quá trình tiếp nhiên liệu từ xe bồn sang các hệ thống chứa. Đơn cử như vụ cháy tại cây xăng ở phường Phước Mỹ cách đây mấy năm là một ví dụ điển hình. Xác định rõ vấn đề đó, đơn vị thường xuyên phối hợp các ngành liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn PCCC và tiến hành kiểm tra đúng định kỳ, nhắc nhở doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm quy định bảo đảm an ninh trật tự, an toàn lao động và quy trình vận chuyển xăng dầu từ các kho, bồn chứa đến các điểm bán lẻ. Từ đầu năm 2012 đến nay, đơn vị đã tiến hành 269 lượt kiểm tra, qua đó phát hiện xử lý vi phạm đối với 11 đơn vị, với tổng số tiền 28 triệu đồng.

Để siết chặt công tác quản lý PCCN, tăng cường kỷ cương pháp luật, ngăn chặn, hạn chế tối đa những vi phạm về đo lường, chất lượng có thể xảy ra trong KDXD, ngoài việc giao Sở Công Thương lập Quy hoạch chi tiết về phát triển hệ thống KDXD của tỉnh đến năm 2020, ngày 16-5-2013, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 13/2013/CT-UBND về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong KDXD trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tinh thần chỉ đạo trên, hiện các địa phương, đơn vị đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, tồn tại, hướng đến quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống các cửa hàng hiện có, loại bỏ dần các cửa hàng không phù hợp về quy hoạch phát triển chung của tỉnh, nhằm giảm thiểu những nguy cơ mất an toàn về PCCN và vệ sinh môi trường.

Tin rằng, với sự vào cuộc một cách đồng bộ của các ngành, địa phương, công tác PCCN tại các của hàng KDXD trên địa bàn tỉnh ta sẽ ngày tốt hơn, đảm bảo an toàn cho người dân và cho chính doanh nghiệp.