Sinh ra và lớn lên tại làng Chăm Hữu Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước), sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Thuận Hải, năm 1994 anh Đạt Tận được phân công tác tại Trạm Y tế xã Nhị Hà và gắn bó với vùng đất này từ ấy đến nay.
Bác sỹ Đạt Tận hết lòng với bệnh nhân.
Bấy giờ Trạm chỉ là một cơ sở nhỏ, dịch vụ y tế và thuốc men đều thiếu thốn, cả đơn vị chỉ có 4 người đều là người ở địa phương khác nên không ai ở lại trực đêm. Anh Đạt Tận nhớ lại: Hồi đó, Nhị Hà chưa có điện, đường sá cũng chưa làm nên còn cách trở, vì vậy rất cần có người trực đêm tại trạm để cấp cứu bệnh nhân khi cần thiết. Là y sĩ mới, tuổi còn trẻ nên tôi tình nguyện ở lại trực đêm. Có mặt từ giai đoạn đầu, Bác sĩ Đạt Tận đã được chứng kiến từng bước đổi thay của Trạm nói riêng và xã Nhị Hà nói chung. Những ngày đầu có mặt còn bỡ ngỡ, nhưng rồi với nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của mình, anh đã làm chuyển biến nhận thức của người dân địa phương. Nếu trước kia có bệnh, mọi người thường đi khám vượt tuyến thì nay đã tin tưởng, đến Trạm Y tế xã nhiều hơn.
Công tác tại Trạm Y tế xã Nhị Hà đến năm 1998, lúc đó là Phó Trưởng Trạm, Y sĩ Đạt Tận được chọn đi học cử tuyển bác sĩ tại Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Năm 2001 ra trường với tấm bằng bác sĩ trên tay, có thêm kiến thức chuyên môn, Bác sĩ Đạt Tận phấn khởi trở lại đơn vị cũ và đảm nhiệm chức danh Trạm trưởng. Với kinh nghiệm thực tế và kiến thức đã học, Bác sĩ Đạt Tận càng thêm vững tin, điều trị thành công những ca bệnh nặng của người dân nơi đây. Năm 2005, Trạm Y tế xã Nhị Hà được dời về vị trí hiện tại và được đầu tư xây dựng mới từ nguồn vốn Chương trình 135. Có thêm điều kiện thuận lợi, Bác sĩ Đạt Tận đã phát huy tay nghề, hằng ngày anh thường xuyên khám, chữa bệnh cho 30-35 bệnh nhân, chưa kể những trường hợp cấp cứu.
Trạm Y tế xã Nhị Hà hiện có 8 cán bộ, nhân viên y tế, nhưng trực tiếp khám, chữa bệnh chỉ có Bác sĩ Đạt Tận và 1 lương y, 2 nữ hộ sinh trung cấp. Như ngày đầu mới lên đây, Bác sĩ Đạt Tận luôn có mặt tại Trạm dù ngày hay đêm, thứ bảy hay chủ nhật. Mỗi trường hợp cấp cứu, thậm chí có ca không thể chuyển đến Trạm được, nếu có yêu cầu là anh đến nhà ngay. Anh kể: “Ở đây bà con đến Trạm gõ cửa vào ban đêm là chuyện bình thường, đa số đó là các trường hợp mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp. Ở lâu thành quen, ngoài những lúc phải đi công tác hoặc hội họp, tôi ít khi nào rời Trạm lâu vì biết bà con luôn cần mình”. Nhiều bệnh nhân ở xã Nhị Hà mà chúng tôi gặp tại Trạm đã nói một cách cảm phục: “Ở đây đường sá xa xôi, mỗi lần chuyển bệnh nhân đi rất khó, ảnh hưởng tới tính mệnh. Rất may nhờ có Bác sĩ Đạt Tận thường trực ở đây đã giúp bệnh nhân thoát nguy”. Điều thú vị không thể không nhắc tới là từ tấm gương học tập nâng cao trình độ chuyên môn của Bác sĩ Đạt Tận, đã tác động đến 3 y sĩ trong trạm tiếp tục đi học và bây giờ họ đều là bác sĩ đang công tác tại các địa phương khác. Ngoài việc khám, điều trị bệnh, Bác sĩ Đạt Tận còn dành nhiều thời gian để tuyên truyền, vận động bà con địa phương trong công tác giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh và dốc sức xây dựng trạm. Kết quả năm 2011, Trạm Y tế xã Nhị Hà được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Hàng năm, cá nhân Bác sĩ Đạt Tận luôn được cấp trên khen thưởng và mới đây được chọn là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh nhà.
Bạch Thương