Tiềm năng có...nhưng vẫn khó tìm thương hiệu
Lâm Sơn có diện tích đất tự nhiên hơn 14.800 ha, được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng cùng với hệ thống nước tưới luôn được đảm bảo từ đập Đa Nhim rất thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng, đặc biệt là loại cây ăn trái. Vì vậy, ngay từ những năm đầu tiên khi mới phát triển các mô hình vườn cây ăn trái (chủ yếu các loại giống xuất xứ từ miền Nam như chôm chôm, sầu riêng, vú sữa…), trái cây Lâm Sơn đã có được chỗ đứng trên thị trường. Trong đó, nổi tiếng nhất có thể kể đến chôm chôm và sầu riêng.
Nông dân xã Lâm Sơn thu hoạch chôm chôm.
Theo đánh giá, Lâm Sơn có tiềm năng về kinh tế vườn với diện tích tăng thêm hằng năm, lại đa dạng chủng loại, sản phẩm trái cây có chất lượng thơm ngon. Nếu như đầu những năm 2000, toàn xã chỉ có vài chục ha diện tích vườn, trong đó diện tích trồng cây ăn trái chỉ chiếm 1/3 thì hiện nay toàn địa phương đã có khoảng 700 ha vườn, trong đó có trên 500 ha trồng các loại cây ăn quả.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc phát triển và khai thác tiềm năng, lợi thế trên vẫn chưa được như mong đợi. Một trong những nguyên nhân chính là do người dân làm vườn còn mang tính tự phát, manh mún chưa đi vào chuyên canh; một số loại cây cũng đã lâu năm và dần bị thoái hóa. Do vậy, trái cây của nhà vườn dù thơm ngon nhưng vẫn loanh quanh vùng nội địa, chưa đủ sức vươn ra thị trường ngoài tỉnh.
Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã trăn trở: Về cơ bản giá trị kinh tế vườn nhiều năm qua đã mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là những mô hình vườn tạp, người dân vẫn chưa định hướng đầu tư trồng vườn chuyên canh để phát triển những loại cây trái đã có chỗ đứng trên thị trường, cho nên để có một “thương hiệu” trái cây gắn với tên tuổi của địa phương là rất khó.
Ngoài việc thiếu định hướng về trồng vườn chuyên canh, vấn đề nguồn vốn đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho nhà vườn cũng khó khăn không kém. Đây chính là nguyên nhân làm cho các nhà vườn chưa mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp sang trồng chuyên canh hàng hóa. Anh Tăng Văn Đại, một chủ vườn thôn Lâm Phú phân tích: Hiện tại với hơn 1ha diện tích cây ăn trái của gia đình gồm măng cụt, chôm chôm, sầu riêng…, mỗi năm gia đình thu vào khoảng vài chục triệu đồng, tuy giá cả và vụ mùa đôi lúc thất thường nhưng cũng đảm bảo cuộc sống. Nhưng nếu chuyển hướng sang chuyên canh, anh sẽ phải phá bỏ một số loại cây, rồi ai sẽ đảm bảo những loại cây tập trung cho thương hiệu sẽ có đầu ra ổn định, chưa nói việc trồng mới cũng mất ít nhất vài năm.
Cần có sự gắn kết của doanh nghiệp và nhà vườn
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không phải không có nhà vườn đang mạnh dạn chuyển đổi sang hướng trồng chuyên canh. Anh Huỳnh Lâm, chủ vườn thôn Lâm Hòa, với gần 15 năm kinh nghiệm trồng cây ăn trái cho biết hiện anh đang phá bỏ một số loại cây lâu năm, không còn phù hợp, chỉ tập trung trồng chuyên hai loại cây chôm chôm và măng cụt trên gần 1ha vườn nhà. Hơn nữa, sẽ rất khó để tìm được một thương hiệu trái cây của địa phương nếu chỉ có một số ít hộ mạnh dạn chuyển đổi, đặc biệt nếu không có doanh nghiệp, hay đơn vị nào đứng ra “đỡ đầu” sản phẩm cho người trồng. Vì vậy, nếu có thay đổi sang hướng chuyên canh thì cũng bán cho thị trường trong tỉnh là chủ yếu.
Vào khoảng năm 2006 – 2007 từng có doanh nghiệp là Công ty Nông Công nghiệp Lâm Sơn đề xuất xây dựng thương hiệu đặc sản trái cây Lâm Sơn, song chỉ sau vài tháng doanh nghiệp đã quay lưng vì số lượng sản phẩm trái cây thu hoạch lẻ tẻ, thiếu tập trung. Theo bà Hồ Thị Cung, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ninh Sơn, thực hiện kế hoạch xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù của địa phương giai đoạn 2012 -2015, huyện đã có kế hoạch xây dựng vùng cây ăn trái đặc sản gắn với thương hiệu “Lâm Sơn”.
Hai năm qua địa phương cũng đã kêu gọi, đặt vấn đề với một số doanh nghiệp; xây dựng bảng hiệu, pa-nô tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trái cây Lâm Sơn tại một số địa điểm, nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào “mặn mà”- “Huyện đã có một đề án triển khai xây dựng vùng chuyên canh cây trái đặc sản 200 ha tại Lâm Sơn và đang trong quá trình chọn vùng đất phù hợp để triển khai trồng tập trung một hai loại cây có hiệu quả, vấn đề còn lại là sự liên kết của các doanh nghiệp với nhà vườn để xây dựng thương hiệu, nhưng đây chính là khâu khó nhất”- Chị Cung cho biết thêm.
Từ thực trạng trên cho thấy, con đường tìm thương hiệu trái cây cho Lâm Sơn vẫn còn nhiều gian nan. Dù đã có những định hướng, đề án từ các cấp chính quyền hay nỗ lực từ phía nhà vườn, nhưng để có thương hiệu trái cây Lâm Sơn nói riêng, tỉnh nhà nói chung vươn ra thị trường ngoài tỉnh là chuyện còn… dài kỳ. Vì vậy, bên cạnh sự quan tâm của chính quyền địa phương, rất mong sự quan tâm của ngành chức năng trong việc thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, liên kết với địa phương.
Nguyễn Sơn