Toàn tỉnh hiện có trên 5.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP, toàn tỉnh đã thành lập 51 đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.837 cơ sở (chiếm 34,3%, tổng số cơ sở toàn tỉnh), qua đó đã phát hiện 400 cơ sở vi phạm (chiếm 21%).
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc đảm bảo VSATTP tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm.
Cụ thể: 2 cơ sở bị phạt cảnh cáo, 14 cơ sở bị phạt tiền (8 triệu đồng) do cơ sở không tập huấn kiến thức VSATTP và không khám sức khỏe cho người lao động, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; không sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động chuyên dụng hoặc sử dụng không đúng quy định. Có 3 cơ sở bị đình chỉ lưu hành sản phẩm, 32 cơ sở hộ sản xuất, kinh doanh và các cơ sở dịch vụ ăn uống có sản phẩm bị tiêu hủy do thực phẩm đã hết hạn sử dụng, không có nguồn gốc rõ ràng và có sử dụng hóa chất độc hại. Số lượng sản phẩm tiêu hủy bao gồm: 37 kg, 243 gói bánh, kẹo các loại, cốm nếp hết hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc; 8 kg sữa, 32 lít nước giải khát, 5,5 kg bột, 0,5 kg mắm tôm, 60 lít rượu gạo kém chất lượng. Có 349 cơ sở vi phạm do vệ sinh khu vực chế biến thực phẩm chưa đảm bảo; người trực tiếp chế biến không đeo găng tay, tạp dề trong quá trình thực hiện chế biến thực phẩm; chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và khám sức khỏe cho người lao động không đầy đủ.
Trong khi đó, các chủ cơ sở được hỏi đều biện minh, do sử dụng nhân viên mới, người làm thường nghỉ đột xuất, làm việc không ổn định, cơ sở kinh doanh nhỏ, ở vùng nông thôn, sử dụng ít người nên chưa chú trọng việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động… Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và thực hiện việc ký cam kết không tái phạm đối với các cơ sở này.
Qua thanh, kiểm tra, đoàn cũng đã tiến hành lấy mẩu gửi đi kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với một số sản phẩm rau, củ, quả. Điều đáng mừng là trong 9 mẩu gồm: rau quế, hành tây, hành tím, tỏi, khoai tây, cà rốt, cải thảo, cà dĩa và bí đao, kết quả đều đạt tiêu chuẩn an toàn. Qua test nhanh tại chỗ 227 mẫu thực phẩm, trong đó có 211 mẫu thực phẩm an toàn, có 16 mẫu thực phẩm (chiếm 8,3%) cho kết quả dương tính với các độc tố (gồm 11 test dương tính với methanol trong rượu gạo, 5 mẫu thức ăn chiên có độ ôi khét trong dầu ăn).
Bà Mai Thị Phương Ngọc, Chi Cục trưởng, Chi cục VSATTP tỉnh, cho biết: Mỗi năm BCĐ liên ngành về VSATTP tỉnh tổ chức một số đợt thanh kiểm tra cao điểm nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp và chấn chỉnh, nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức của chủ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. Riêng sản phẩm rượu tự nấu, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương hiện vẫn đang tiến hành kiểm tra nắm tình hình các cơ sở sản xuất, kinh doanh để có biện pháp quản lý theo quy định.
Theo Chi cục VSATTP, trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP, toàn tỉnh đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền về các biên pháp đảm bảo ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức 16 buổi nói chuyện cho trên 320 người, tuyên truyền 986 lượt trên loa phát thanh cơ sở, phân phối 10 ngàn tờ gấp về ATTP cho các địa phương, treo 175 băng rôn, khẩu hiệu; tổ chức 2 buổi tập huấn kiến thức về VSATTP, phổ biến các văn bản pháp luật về VSATTP cho các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm với 69 người tham dự. Trong tháng cao điểm, 100% xã, phường có kế hoạch triển khai thực hiện tháng hành động; có 137/140 bếp ăn tập thể đông người ký cam kết chấp hành đầy đủ các quy định đảm bảo ATTP.
Như vậy có thể thấy, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác đảm bảo VSATTP tại tỉnh ta vẫn còn đáng lo ngại. Do vậy, cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng và các địa phương, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức về VSATTP, có sự lựa chọn thông thái trong sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của mình.
Ngũ Anh Tuấn