Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước trẻ em, nhưng phần lớn chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát trẻ một cách chặt chẽ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để con trẻ tự do vui chơi. Đặc biệt, hàng năm vào dịp nghỉ hè, cũng là thời điểm học sinh có nhiều thời gian phụ giúp gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn, trẻ em thường ra đồng, sông, suối, chăn trâu, bò… nên cũng rất dễ xảy ra nguy cơ bị đuối nước. Mặt khác, nhiều gia đình còn thiếu sự quản lý để con em tự ý ra các ao hồ, sông suối tắm mà không có sự giám sát của người lớn; nhiều vùng ao, hồ, sông suối nguy hiểm chưa có rào chắn, biển cấm… Những nơi như vậy thường xa khu dân cư, ít người qua lại nên khi các em gặp nguy hiểm thì không có sự trợ giúp kịp thời.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Để hạn chế thấp nhất tình trạng đuối nước ở trẻ em cần đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống đuối nước trẻ em như phổ cập kỹ năng sơ cấp cứu trẻ em bị đuối nước cho mạng lưới y tế cơ sở và đội ngũ cộng tác viên phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ và chính các em, thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thuỷ. Ngoài ra, triển khai chương trình dạy bơi cho trẻ, dạy kỹ năng sống và kỹ năng an toàn dưới nước, từng bước đưa môn bơi an toàn vào trong trường học một cách rộng rãi, đẩy mạnh xã hội hoá công tác dạy bơi, khuyến khích các em tham gia sinh hoạt các hoạt động tập thể lành mạnh, giảm thiểu các nguy cơ tai nạn thương tích và tai nạn đuối nước”. Mặt khác, tăng cường các hoạt động cải tạo môi trường, loại bỏ nguy cơ gây đuối nuối ở trẻ em như: cắm biển báo, làm hàng rào ở những công trình xây dựng, những nơi sông nước nguy hiểm...
Bình An