Cần có hướng hỗ trợ người nuôi tôm hùm lồng ổn định tại vùng nuôi theo quy hoạch

(NTO) Những năm gần đây, người dân trong tỉnh đã đầu tư nuôi tôm hùm lồng cho hiệu quả kinh tế cao, số lượng lồng, giống thả nuôi không ngừng được tăng lên. Tuy nhiên, phần lớn các lồng bè nuôi tôm lại tập trung ở các điểm du lịch như vịnh Phan Rang và Vĩnh Hy, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, vừa gây ô nhiễm môi trường do lượng thức ăn dư thừa và rác thải từ các bè nuôi xả xuống biển. Việc nuôi tôm hùm lồng còn mang tính tự phát không theo quy hoạch và kỹ thuật nuôi chưa phù hợp nên còn thiếu tính bền vững.

Theo chủ trương chung của tỉnh, đã có trên 40 hộ nuôi, với 200 ô, lồng nuôi của người dân phường Đông Hải, Mỹ Hải (Phan Rang-Tháp Chàm) từng nuôi tại vịnh Phan Rang di dời đến vùng quy hoạch C1, C2 thuộc xã Nhơn Hải (Ninh Hải). Tuy nhiên, việc nuôi tôm hùm lồng ở đây chưa kịp ổn định thì vào đầu tháng 4, một đợt sóng lớn đã làm 9 bè nuôi bị hư hỏng, gây thiệt hại hàng tỷ đồng đối với người nuôi, khiến những hộ còn lại cũng không yên tâm, tìm cách di chuyển bè nuôi đến khu vực khác.

Nhiều hộ đã di chuyển bè nuôi từ vùng quy hoạch C về rạn Đông Hải.

Theo một số hộ nuôi tại vùng quy hoạch C1, trước đây khi nuôi tại vùng vịnh Phan Rang vốn kín gió, nên hầu hết người nuôi chỉ đóng lồng bè gỗ với kết cấu ít kiên cố, vừa tiết kiệm chi phí. Nay chuyển ra vùng quy hoạch mới thì những lồng nuôi này chỉ chịu được sóng mùa Bấc, còn mùa Nam sóng thường lớn hơn, bè nuôi cũ không chịu nổi sự va lắc mạnh liên tục dẫn đến bị “vỡ”, một lượng lớn tôm nuôi thất thoát ra ngoài.

Không chỉ tại vùng quy hoạch, người nuôi gặp khó khăn do sóng lớn mà các điều kiện nuôi khác như đường di chuyển trên biển để mang thức ăn cho tôm cũng gặp nhiều trở ngại, do khu vực này thường có nhiều hộ dân ở Nhơn Hải thả bông lưới giũ trên biển nên quá trình đi lại đã dẫn đến phát sinh mâu thuẫn.

Do việc nuôi tại vùng quy hoạch không thuận lợi nên hiện nay tại đây chỉ còn 1 hộ còn “bám trụ”, còn lại đã tự ý di chuyển đến nhiều nơi như vùng biển xã Thanh Hải, Tri Hải, Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải), phường Đông Hải (Phan Rang-Tháp Chàm), ngoài ra có 7 hộ đã tháo dỡ lồng, nghỉ nuôi.

Ông Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải, cho biết: Hiện ở tỉnh ta hầu hết người nuôi chỉ đóng bè bằng gỗ nên kết cấu độ chịu lực không cao, khi gặp sóng lớn không chịu được sự va đập nên dễ bị hư hỏng. Lâu dài, để ổn định được nghề nuôi tôm hùm lồng tại vùng quy hoạch người dân cần phải gia cố lồng bè, sử dụng bè bằng vật liệu composite có độ chịu lực cao. Mặt khác, kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thí điểm nuôi thủy sản lồng bè tại vùng quy hoạch C với kết cấu lồng bè phù hợp để nhân dân yên tâm nuôi thủy sản tại khu vực đã quy hoạch.

Nhằm tạo điều kiện cho người nuôi tôm hùm lồng tại vùng quy hoạch, huyện Ninh Hải cũng đã tổ chức kiểm tra việc nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn, qua đó đã vận động và đề nghị di dời lồng bè về lại vùng quy hoạch C, mặt khác chỉ đạo UBND xã Nhơn Hải vận động bà con không được khai thác tôm hùm con bằng bông lưới giũ trong vùng quy hoạch C.