Sáng 4-6, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ An ninh và hành chính công Hàn Quốc đã tổ chức Hội thảo Việt Nam - Hàn Quốc về CIO trong cơ quan nhà nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, hợp tác trong lĩnh vực TT&TT giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã và đang đạt được nhiều kết quả thiết thực và là cầu nối quan trọng góp phần đưa quan hệ chung hai nước lên tầm cao mới. CNTT-TT là lĩnh vực mà từ trước đến nay Việt Nam và Hàn Quốc luôn hợp tác sâu rộng, trước đây Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính Viễn thông đã có nhiều hoạt động hợp tác cụ thể với các cơ quan quản lý của nhà nước Hàn Quốc.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc Hội thảo Việt Nam - Hàn Quốc
về CIO trong cơ quan nhà nước tại Hà Nội sáng ngày 4/6/2013
Đối với Việt Nam, CNTT-TT là một động lực quan trọng góp phần đảm bảo sự tăng trưởng và bền vững của đất nước. Trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Trong sự phát triển mạnh mẽ đó, có sự đóng góp rất quan trọng của những giám đốc CNTT nhà nước (CIO).
Song song với những tác động tích cực, sự phát triển nhanh chóng của CNTT đặt ra nhiều thách thức không nhỏ: làm thế nào để các CIO tại Việt Nam có thể vượt qua khó khăn, tận dụng lợi thế đẩy mạnh hơn nữa quá trình ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và đưa ngành CNTT-TT trở thành nòng cốt, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hội thảo cũng nghe các đại biểu Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm và những khó khăn trong xây dựng Chính phủ điện tử và định hướng tương lai. Đồng thời, thảo luận về biện pháp tăng cường vai trò của CIO để đáp ứng yêu cầu phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT cho biết, từ nay đến hết năm 2015, Việt Nam sẽ tập trung ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức 3. Từ 2016 - 2020 sẽ xây dựng Chính phủ kết nối, theo đó hình thành 15 hệ thống thông tin trên toàn quốc, các hệ thống này có khả năng kết nối liên thông ngang với nhau và kết nối dọc với hệ thống thông tin sẵn có của các bộ, ngành.
Theo ông Vũ Quốc Khánh - Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, một trong những yêu cầu quan trọng của Chính phủ điện tử là phải nâng cao năng lực đảm bảo an toàn thông tin. Theo thống kê, đến hết năm 2012 chỉ có 41% số cơ quan đơn vị có quy chế về an toàn thông tin. Theo đó, khối các cơ quan bộ, ngành chiếm tỷ lệ cao nhất 57,9%, khối doanh nghiệp nhà nước đạt 57,1%, khối doanh nghiệp tư nhân đạt 46,2%, khối cơ quan địa phương đạt thấp nhất chỉ 35%. Việc cử cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin trong các cơ quan, đơn vị cũng chỉ đạt 59,1%. Tỷ lệ này chưa thay đổi nhiều trong 3 năm trở lại đây.
Theo ông Khánh, việc quan tâm, đảm bảo an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước và địa phương còn gặp nhiều khó khăn, trong khi đó những thách thức về an toàn thông tin lại tăng mạnh trong những năm qua. Cụ thể, lượng mã độc tại Việt Nam tăng cao gấp đôi tỷ lệ trung bình thế giới, số lượng các vụ tấn công qua email ngày càng nhiều.
Nguồn ICTnews