Với yêu cầu đáp ứng nhu cầu của người học, tùy điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, huyện đã đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp như kỹ thuật trồng nho, tỏi, rong sụn, thanh long ruột đỏ, nấm rơm, kỹ thuật chế biến thủy-hải sản, nuôi tôm, đào tạo thuyền viên, lái ô-tô, may công nghiệp, sửa chữa xe gắn máy, tin học... Học viên được rèn luyện kỹ năng, trang bị cho mình một nghề vững chắc, có cơ hội tìm việc làm, nâng cao thu nhập. Song song với đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm trong những năm qua ở Ninh Hải có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2010 – 2012 đã có 8.830 lao động được giải quyết việc làm, trong đó 4.260 lao động làm việc trong tỉnh, 4.570 lao động làm việc ngoài tỉnh, đạt trên 100 % kế hoạch đề ra.
Mô hình thủ công mỹ nghệ ở Vĩnh Hải.
Để phát huy thế mạnh của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu thực tế của người học, năm 2013, huyện Ninh Hải tổ chức 32 lớp học nghề cho 960 học viên đăng ký, mở rộng một số ngành nghề như đào tạo thuyền viên, thuyền trưởng, thủ công mỹ nghệ, thuyết minh viên du lịch, trồng rau an toàn và chăn nuôi. Căn cứ vào kết quả khảo sát thực tế tại các địa phương, huyện đang thực hiện các biện pháp đẩy nhanh triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trên cơ sở danh sách đăng ký, UBND huyện phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận, Sở Công Thương, Hội Nông dân tỉnh ký kết hợp đồng, tiến hành đào tạo; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ, cho vay vốn và giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cho biết, nhằm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, huyện chỉ đạo các xã tổ chức các buổi tư vấn cho người dân, hướng tới đối tượng cụ thể như lao động không có việc làm, có việc làm nhưng không ổn định, lao động xuất khẩu. Phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức các hội nghị, sinh hoạt, thu hút các tầng lớp thanh niên, nông dân, phụ nữ tham gia.
Tuy nhiên, thực hiện công tác đào tạo nghề vẫn còn những khó khăn như nhận thức của người dân nông thôn còn hạn chế, chưa nhìn nhận đầy đủ về việc học nghề để tìm cho mình một nghề lâu dài, ổn định; một bộ phận không nhỏ lao động nông thôn tìm việc làm ở các thành phố lớn, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa đơn vị đào tạo với các doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, cần liên kết, hợp tác với doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động, hỗ trợ doanh nghiệp vừa đào tạo, vừa giải quyết “công ăn, việc làm” cho người lao động.
Mục tiêu đến năm 2015, Ninh Hải phấn đấu tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ 2.000 – 2.200 người, tỷ lệ lao động có việc làm đạt tối thiểu 60 %. Việc đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn thúc đẩy đưa công nghiệp hóa vào nông thôn, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trang Nhung