Sinh ra trong một gia đình cách mạng tại xã Nguyên Thủy, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Cha làm cán bộ bình dân học vụ, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1945; mẹ làm cán bộ phụ nữ, gia đình có 6 anh em đều tham gia cách mạng. Bản thân bà, năm 15 tuổi, làm liên lạc cho du kích xã, sau đó làm giao liên cho huyện và năm 1952 được biên chế vào bộ đội tỉnh Thừa Thiên- Huế, làm nhiệm vụ chăm sóc thương binh tại Bệnh xá Tỉnh đội. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, tháng 7-1954, bà cùng đơn vị (Trung đoàn 269) tập kết ra miền Bắc, ở Đồng Hới (Quảng Bình), Hà Tĩnh rồi Nghệ An, được giao nhiệm vụ nuôi quân. Năm 1959, bà được chuyển sang công nhân làm muối tại Xí nghiệp Muối Vĩnh Ngọc, xã Quỳnh Hoan, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Anh hùng Lao động Hồ Thị Lượm cùng tổ công nhân trực chiến (thứ 2 từ trái qua).
Bước đầu làm muối, bà con địa phương không tin bộ đội làm được nên kháo nhau: Làm muối không đủ cho gà ăn. Từ người nấu ăn ra làm muối, ban đầu tổ bà có 5 chị em thì 3 người bỏ việc vì không chịu nổi làm việc cật lực dưới cái nắng nóng miền Trung. Trong quá trình làm muối, bà nhận thấy chỉ có khoán đến từng người lao động mới cho năng suất cao. Bà mạnh dạn đề nghị với giám đốc xí nghiệp về việc khoán đến từng cá nhân. Giám đốc xí nghiệp rất ái ngại bởi nếu khoán cho từng cá nhân thì với hoàn cảnh 3 con nhỏ như bà Hồ Thị Lượm thì làm sao đảm đương nổi. Bằng sự thuyết phục có cơ sở khoa học cùng với sự quyết tâm cao của bà, xí nghiệp đã đồng ý cho tổ của bà làm thử nghiệm việc khoán diện tích và năng suất. Ngay sau khi nhận khoán, tổ của bà gồm 16 nữ nhận khoán 16.000 m2 ruộng muối. Cách làm muối của bà là: Trước hết cải tạo hệ thống kênh mương dẫn nước biển sâu và rộng hơn, xây cống để chủ động dẫn nước tới từng ruộng muối, nhất là những ruộng muối ở nơi cao, cải tạo sân phơi, tận dụng từng giờ nắng, ngày nắng để làm muối.
Bà cho biết, ngày làm muối bắt đầu từ 6 giờ sáng khi mặt trời mới mọc và chỉ ra về khi mặt trời đã lặn lúc 6 giờ chiều, nhiều bữa khi về đến nhà thì các con nhỏ đã lăn ra ngủ. Để cho sản lượng cao, người làm muối suốt ngày phơi mình dưới nắng nóng, liên tục đảo nước muối cho nhanh khô, đổ thêm nước cốt mặn trên từng ô muối. Với cách làm sáng tạo, tổ muối của bà Hồ Thị Lượm luôn vượt sản lượng kế hoạch, về đích trước thời gian. Năm 1964, đạt 107% kế hoạch, năm 1965 đạt 111,5% kế hoạch và về đích trước 72 ngày, năm 1966 đạt 115,5% kế hoạch và về đích trước 108 ngày. Năng suất muối đạt 24 tấn/ha/năm, cao nhất toàn ngành muối và gấp 3 lần năng suất muối do dân địa phương làm. Nhiều người dân địa phương bỏ hoang ruộng muối nay lại hăng hái trở lại làm muối theo cách làm của bà. Ngoài sản xuất muối, Tổ của bà còn làm nhiệm vụ trực chiến sẵn sàng tham gia bắn hạ máy bay địch khi chúng ném bom phá hoại miền Bắc.
Trải lòng với chúng tôi, bà cho biết: Lúc đó thanh niên, đàn ông có sức khỏe đều đã vào miền Nam chiến đấu, ở xí nghiệp và địa phương chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. Muối không chỉ cho miền Bắc mà còn cung cấp cho bộ đội ở miền Nam, chúng tôi tự nhủ nhau rằng mình đổ mồ hôi nước mắt không bằng bộ đội, bà con miền Nam gian khổ hy sinh đánh Mỹ. Vì vậy, dù hết sức gian khổ, vất vả nhưng ai nấy đều nỗ lực hết sức mình với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì miền Nam thân yêu”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Mỗi người làm việc bằng hai”… cố gắng làm ra thật nhiều muối để góp phần cùng bộ đội, đồng bào miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Việc bà được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được tham dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước tại Hà Nội (Đại hội Thi đua Toàn quốc lần thứ IV) tháng 1-1967 và được gặp Bác Hồ là điều hạnh phúc nhất trong đời mà bà không ngờ đến. Một vinh dự quá lớn lao đối với người nữ công nhân làm muối mà Đảng và Bác Hồ dành cho bà.
Sau ngày đất nước giải phóng, theo yêu cầu công tác, vợ chồng bà được trên điều động về Xí nghiệp Muối Cà Ná. Lúc này ông Nguyễn Đình Kinh, chồng bà làm Giám đốc, còn bà giữ nhiệm vụ Trưởng phòng Tổ chức. Dù ở cương vị công tác nào bà cũng luôn luôn cố gắng hết sức mình để thực hiện tốt nhiệm vụ. Ở bà, một con người hết sức bình dị, nhưng có một nghị lực phi thường bởi được tiếp thêm sức mạnh từ lòng yêu nước và tinh thần thi đua ái quốc.
Minh Thư