Xã Phước Thành hiện có 714 hộ với 3.177 khẩu, trong đó 95% dân số là đồng bào dân tộc Raglai, chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, sản xuất dựa vào nước trời là chính nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn ở mức cao là 75,1%.
Nông dân xã Phước Thành xuống giống cây mía niên vụ 2013- 2014
Đồng chí Đậu Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Phước Thành, cho biết: Trên địa bàn xã có hai đập thủy lợi là đập Ma Dú và đập Homalamo, vừa cung cấp nước cho sinh hoạt và phục vụ nước tưới cho khoảng 60 ha diện tích canh tác. Bà con sống chủ yếu dựa vào cây lúa, cây bắp với tập quán sản xuất lạc hậu nên vẫn chưa thoát nghèo. Từ những khó khăn đó, những năm qua, chính quyền xã đã tìm hiểu và triển khai một số mô hình mới phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng và từng bước thoát nghèo.
Điển hình như mô hình trồng cao su tiểu điền và cây keo lai được triển khai đầu năm 2012, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135. Trong đó, diện tích cây cao su 6 ha, cây keo lai 11,2 ha. Bà con được hỗ trợ hoàn toàn từ giống, phân bón và công chăm sóc. Tuy mô hình mới được triển khai nhưng kết quả rất tốt, tỷ lệ sống của cây cao su đạt 99%, cây keo lai đạt trên 85%. Không những thế, mô hình này nhận được sự ủng hộ rất lớn của bà con, nhiều hộ đăng ký được tham gia nhưng hiện nay địa phương vẫn chưa có kinh phí để tiếp tục nhân rộng.
Một trong những mô hình đang được triển khai rộng rãi là mô hình trồng mía. Chính quyền xã đã chủ động liên hệ với Công ty Cổ phần Mía đường Khánh Hòa, đơn vị đồng ý hỗ trợ bà con phát triển cây mía bằng cách đầu tư hoàn toàn từ giống, phân bón, công chăm sóc, bao tiêu sản phẩm và có bảo hiểm giá. Trong năm đầu tiên thực hiện, địa phương dự kiến trồng 50 ha trên địa bàn 5 thôn. Từ giữa tháng 4 đến nay, bà con đã xuống giống được hơn 28 ha. Vì đây là mô hình mới nên xã đã huy động toàn bộ cán bộ trẻ, cán bộ khuyến nông xuống trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Đồng chí Bí Thư Đảng ủy xã cho biết, mặc dù mới làm thí điểm nhưng bà con đã đăng ký rất nhiều. Dự kiến từ nay đến năm 2015 sẽ mở rộng diện tích lên từ 300-500 ha.
Ngoài ra, trong năm 2013, xã sẽ tiếp tục triển khai một số mô hình mới như trồng thử nghiệm giống chuối nuôi cấy mô, lúa chịu hạn…Cùng với việc hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã cũng phối hợp với HTX Thủ công mỹ nghệ Vĩnh Phước (tỉnh Khánh Hòa) và Trung tâm Dạy nghề huyện Bác Ái tổ chức dạy nghề đan lát cho bà con. Tận dụng lợi thế từ nghề sẵn có của bà con dân tộc thiểu số như đan gùi, làm nỏ… bà con được đào tạo làm các sản phẩm đan lát mỹ nghệ nhằm tăng thêm thu nhập trong thời gian nhàn rỗi.
Tuy mới chỉ là những bước khởi đầu, nhưng sự chủ động, nỗ lực của chính quyền địa phương đang từng bước làm thay đổi cuộc sống, mở ra cơ hội phát triển mới cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Quan trọng hơn đã giúp bà con dần thay đổi nhận thức, thay đổi tập quán canh tác cũ, biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiến tới thoát nghèo bền vững.
Lan Phương