Ngày lấy chồng cách đây 10 năm, chị Súng được cha mẹ cho 5.000 m2 đất. Trên khu đất của mình, vợ chồng chị làm 2 vụ bắp, đậu xanh/năm cung cấp đủ lương thực cho 3 khẩu trong gia đình. Vì đất bằng phẳng, nằm sát khu dân cư nên có nhiều người đến hỏi sang nhượng nhưng chị không đồng ý.
Vợ chống chị Bây Thị Súng hiến tặng 3000m2 đất xây trường học.
Đầu năm nay, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đến vận động sang nhượng cho xã xây dựng trường học, vợ chồng chị suy nghĩ: Nếu nhường đất cho xã, sợ sau này già yếu không biết sống dựa vào đâu, mà giữ cho riêng mình thì chuyện học hành của con em trong thôn không đến nơi, đến chốn. Nghĩ cảnh hằng ngày đám nhỏ phải cực khổ lội bộ 4 km về điểm trường tại trung tâm xã học, cuối cùng vợ chồng chị quyết định hiến tặng 3.000 m2 đất, chỉ lấy tiền 2.000 m2, theo giá của Nhà nước là hơn 80 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Thành Khải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn, cho biết: Công tác giáo dục ở địa phương gặp khó khăn do cơ sở vật chất chưa được xây dựng đồng bộ. Toàn xã có 6 thôn, nhưng chỉ có 3 thôn có trường TH, những thôn còn lại như Nha Húi, Phú Thuận… chưa có điểm trường, học sinh đi học cách nhà 4 đến 5 km nên tình trạng bỏ học ngày càng nhiều. Từ thực tế đó, xã có chủ trương trích tiền cho thuê đất dự phòng sang nhượng lại đất của bà con để giao mặt bằng cho ngành Giáo dục xây trường học. Tuy nhiên, để mua được khu đất nằm ở trung tâm khu đân cư rất khó, chính vì vậy, việc chị Súng hiến đất xây trường học chúng tôi rất mừng và đánh giá cao ý thức vì cộng đồng của gia đình chị.
Khi đến thăm, chứng kiến cảnh vợ chồng chị sống trong căn nhà khiêm tốn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng đã lâu, chúng tôi ngộ ra rằng, dù cuộc sống lam lũ “một nắng, hai sương” nhưng tấm lòng của người dân rất quảng đại. Nếu bán 3.000 m2 đất theo giá hiện thời được hơn 130 triệu đồng, đủ mua một đàn bò, nhưng với chị Súng, vật chất không phải là tất cả mà cái chính là sống phải có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Anh Tùng