Trung bình các tháng có thời gian chiếu sáng hơn 12 giờ mỗi ngày; dài nhất vào 2 tháng 6 và 7 với hơn 13 giờ/ngày; ngắn nhất vào 2 tháng 12 và 1 cũng hơn 11 giờ 30 phút/ngày. Do đó, Ninh Thuận có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng lớn bức xạ mặt trời. Tổng số giờ nắng trung bình ở Ninh Thuận là 2837,8 giờ/năm cao nhất trong cả nước (so với Cam Ranh 2663,6 giờ/năm; Phan Thiết 2782,8 giờ/năm).
Hệ thống phát điện sử dụng năng lượng mặt trời có công suất 10KW phục vụ điện sinh hoạt
khu dân cư Đá Hang thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Ảnh: Sơn Ngọc
Ninh Thuận có tổng diện tích khu vực có tiềm năng điện mặt trời kỹ thuật là 79.640 ha, chiếm 23,7% tổng diện tích toàn tỉnh – là khu vực có địa hình bằng phẳng hoặc độ dốc nhỏ hơn 50, có khả năng vận chuyển vật tư, thiết bị đến, tiếp cận để thi công và khả năng đấu nối với lưới điện quốc gia. Diện tích này phân bố chủ yếu tại huyện Ninh Phước, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm và một số khu vực thuộc các huyện Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Sơn, Ninh Hải và Bác Ái. Với giả thuyết mật độ bố trí công suất tấm pin mặt trời là 1 MW/2 ha thì tổng lượng công suất này được 39.820 MW. Cũng theo quy hoạch, vùng phát triển điện mặt trời có quy mô công nghiệp của tỉnh ước đạt khoảng 5.960 MW, tương ứng với diện tích chiếm đất là 11.920 ha, bằng 3,6% tổng diện tích toàn tỉnh.
Đến nay Ninh Thuận vẫn chưa có nhà đầu tư nào triển khai xây dựng dự án điện mặt trời với quy mô công nghiệp do nhiều yếu tố, như: Suất đầu tư vào điện mặt trời còn tương đối cao, khoảng 2,5 triệu USD/MW lắp đặt, cao hơn cả suất đầu tư vào điện gió; sản lượng điện sản xuất phụ thuộc vào số giờ nắng, tổng lượng bức xạ, cho dù với Ninh Thuận là khá cao trong năm nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với điện gió; công nghệ sản xuất tấm pin mặt trời có hiệu suất chưa cao; các yếu tố khác như giá bán điện, khả năng bán tín dụng giảm khí phát thải, chính sách trợ giá của Chính phủ,... có thể xem là tương tự như điện gió. Từ đó, có thể thấy giá thành điện mặt trời còn cao hơn điện gió nhiều. Thực tế, các dự án về điện mặt trời dự kiến đầu tư tại Ninh Thuận giá thành ước tính từ 20 – 30 US cents/kWh, trong khi giá mua điện của Tập đoàn EVN là 7,8 US cents/kWh.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận, đến năm 2020 thì tỉnh ta phấn đấu trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo. Việc ứng dụng điện mặt trời và điện gió được tỉnh quan tâm phát triển, nhằm tạo tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững theo hướng xanh, sạch. Hơn nữa, theo dự báo về những tiến bộ mới trong công nghệ sản xuất các tấm pin mặt trời với hiệu suất hiện nay là 12 - 16%, sẽ tăng lên tới 25% vào năm 2030 và có thể tăng tới 40% vào năm 2050 và thời gian sử dụng dự báo cũng sẽ tăng từ 25 năm lên đến 40 năm, dẫn tới suất đầu tư nhà máy và giá thành điện mặt trời sẽ thấp. Đồng thời, giá mua điện của Tập đoàn EVN cũng sẽ tăng dần theo lộ trình. Do vậy, thời gian thu hồi vốn đầu tư sẽ ngắn hơn và sản xuất, kinh doanh điện mặt trời sẽ có lợi nhuận. Về lợi ích bảo vệ môi trường, giảm phát sinh khí thải nhà kính cũng được quan tâm và Nhà nước sẽ có những chính sách khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời.
Ninh Thuận từ trước năm 2000, ngành Bưu điện đã có ứng dụng điện mặt trời (độc lập) để cấp điện cho các Bưu cục ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh chưa có lưới điện quốc gia. Năm 2006 – 2007, thực hiện Dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ điện mặt trời (độc lập) cung cấp điện cho các vùng đặc thù và trang trại chăn nuôi chưa có lưới điện đi qua, với công suất 2 kWp cho 2 trang trại nông nghiệp, đèn tín hiệu khu vực bãi rùa đẻ và 10 hộ dân ở huyện Ninh Sơn, vùng chưa có lưới điện quốc gia, với kinh phí mua sắm máy móc thiết bị là 237,4 triệu đồng (suất đầu tư 168,7 triệu đồng/kWp). Năm 2010, Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Kim Đỉnh (Hà Nội) tài trợ thiết bị và lắp đặt tại Quảng trường 16 Tháng 4 2 trụ đèn chiếu sáng, công suất 35W/trụ ứng dụng điện mặt trời và điện gió. Ngày 17-12-2012, lễ khánh thành công trình hệ thống phát điện sử dụng năng lượng mặt trời (nối lưới), công suất 10 kWp do Công ty Hanvit, Hàn Quốc tài trợ cho thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Ngày 30-12-2012 bàn giao sử dụng trạm điện mặt trời (hỗn hợp) tại khu vực Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận, với công suất 14,82 kWp; kinh phí mua sắm máy móc thiết bị là 1.482,66 triệu đồng (suất đầu tư 100 triệu đồng/kWp). Năm 2013, từ nguồn kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng của Công ty Holcim, Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện Mô hình tưới phun mưa sử dụng năng lượng mặt trời cho hộ nông dân thuộc xã An Hải, huyện Ninh Phước, với công suất 0,8 kWp.
Đồng thời, để triển khai nhân rộng ứng dụng điện mặt trời sắp tới, Sở KH&CN đã khảo sát, đánh giá nhu cầu phụ tải điện, mặt bằng mái nhà và xây dựng phương án ứng dụng điện mặt trời (hỗn hợp) cho các cơ quan hành chính cấp tỉnh đóng trên địa bàn Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, gồm: Sở Công Thương CSmax 6,08 kWp; Sở Khoa học và Công nghệ CSmax 6,08 kWp; Sở Kế hoạch và Đầu tư CSmax 3,8 kWp; Sở Xây Dựng CSmax 6,84 kWp; Sở Tài Chính CSmax 7,6 kWp; Sở Tài nguyên và Môi trường CSmax 13,68 kWp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch CSmax 5,32 kWp và Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn CSmax 15,2 kWp.
Hiện tại, các dự án đầu tư quy mô công nghiệp về điện mặt trời chưa khả thi về mặt tài chính, nhưng tỉnh đã huy động các nguồn tài trợ để hỗ trợ kinh phí thực hiện ứng dụng điện mặt trời với quy mô nhỏ trên các lĩnh vực: cấp điện cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt hộ dân, công sở và chiếu sáng công cộng. Trong tương lai gần, chắc chắn Ninh Thuận sẽ là Trung tâm năng lượng tái tạo với điện mặt trời và điện gió.
Lê Kim Hùng
Giám đốc Sở KH&CN