Năng lượng tái tạo, tại sao không?

Năng lượng tái tạo là năng lượng từ các nguồn tài nguyên được bổ sung liên tục và không thể bị cạn kiệt, như năng lượng mặt trời, thủy điện, gió, địa nhiệt, đại dương và sinh học. Đây là một nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm không khí, và không “đóng góp” vào sự nóng lên của khí hậu toàn cầu cũng như hiệu ứng nhà kính.

Lợi thế từ tiềm năng

Đi tìm sự hài hòa giữa phát triển điện năng với tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường là vấn đề cấp bách. Nó không chỉ đặt ra ở tầm quốc gia, khu vực mà mang ý nghĩa hợp tác toàn cầu.

Năng lượng tái tạo (NLTT) chính là các nguồn năng lượng tự nhiên nên chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng thấp. Tuy nhiên, một hạn chế chung cho tất cả các nguồn NLTT là rất khó khăn để sản xuất ra một sản lượng điện lớn, đồng thời chi phí đầu tư ban đầu rất lớn do là công nghệ mới.

 
Điện mặt trời, một nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai.

Có thể thấy, mặt trời là nguồn năng lượng phong phú, xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Hiện nay nguồn năng lượng này đang được áp dụng nhiều nhưng vẫn chỉ ở quy mô nhỏ, ngoài ra chi phí thực hiện nguồn năng lượng này đang được giảm nhanh chóng. Nhưng nguồn năng lượng mặt trời bị giới hạn bởi sự phụ thuộc vào thời tiết trong ngày và chỉ hoạt động vào ban ngày. Trong khi nguồn năng lượng gió với các tuabin gió chiếm ít không gian hơn và là một nguồn tài nguyên để tạo ra năng lượng tại các địa điểm xa như các vùng miền núi, nông thôn và hải đảo.

Khi kết hợp với năng lượng mặt trời, nguồn năng lượng này sẽ tạo được một lượng điện ổn định và đáng tin cậy. Tuy nhiên, yếu tố gió không đáng tin cậy, lượng điện sản xuất ra rất thấp, hoạt động gây ra tiếng ồn và chi phí đầu tư lớn.

Đánh giá về tiềm năng năng lượng gió, TS Phạm Thị Thu Hà, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, tổng tiềm năng năng lượng gió là 1.750 MW, với tốc độ gió trung bình ở khu vực có gió tốt là 6 m/s và ở độ cao 60 m. Trong đó tiềm năng gió cao hơn ở miền trung và miền nam, đặc biệt ở Tây Nguyên, hải đảo và các khu vực ven biển, tương ứng khoảng 880 MW.

Theo nghiên cứu của WB thì khoảng 8,6% tổng diện tích lãnh thổ Việt Nam có tiềm năng gió với mức từ “cao” đến “rất cao”, phù hợp với việc triển khai tuabin gió cỡ lớn với tốc độ gió trên 7 m/s.

Ông Đỗ Đức Tưởng làm việc cho Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV Việt Nam) cho biết, nguồn năng lượng từ sinh khối ước tính đóng góp tới 20% tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp ở Việt Nam. Nếu 50% lượng rơm rạ bị đốt bỏ mỗi năm, có nghĩa 16 triệu tấn inh khối bị lãng phí, phát thải ra môi trường 18,7 triệu tấn CO2, nửa triệu tấn Co, 12 nghìn tấn khí methane, và hàng trăm nghìn tấn bụi lơ lửng cùng khí độc hại.

Là quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, với sản lượng hơn 40 triệu tấn/năm, Việt Nam có tiềm năng dồi dào về sinh khối từ rơm rạ và trấu. Lượng sinh khối phụ phẩm lúa gạo này được ước tính chiếm tới 64% các nguồn sinh khối khác.

Theo ông Tưởng, nếu chúng ta tận dụng được nguồn phụ phẩm từ lúa gạo cho sản xuất năng lượng đem lại lợi ích kép, vừa khai thác được nguồn NLTT khổng lồ, vừa giảm đáng kể ô nhiễm môi trường.

Và “chờ” cơ hội để phát triển

Tại Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27-12-2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2050, theo đó Chính phủ khuyến khích việc phát triển và sử dụng năng lượng mới và NLTT. Cụ thể, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng thương mại sơ cấp từ 3% năm 2010 lên 5% năm 2020 và 11% năm 2050 và tăng thị phần điện sản xuất từ nguồn NLT như gió và sinh khối từ 3.5% tổng sản lượng điện sản xuất năm 2010 lên 4,5% năm 2020 và 6% năm 2030 theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21-07-2011 hay Tổng sơ đồ điện VII.

Đánh giá trong việc phát triển nguồn NLTT từ sinh khối, ông Tưởng cho rằng, tình hình quản lý và sử dụng các nguồn phụ phẩm này còn chưa thực sự hiệu quả, ý nghĩa về tiềm năng năng lượng và giảm phát thải chưa được đánh giá một cách chính xác.

Nếu đem rơm rạ đốt phát điện, thay vì đốt ngoài đồng ruộng thì chúng ta sẽ giảm được lượng phát thải do than, dầu, khí thiên nhiên gây ra để tạo ra cùng sản lượng điện đó - ông Tưởng so sánh.

Việt Nam đứng trước thách thức về nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong vòng một thập kỷ tới, sẽ cần có những giải pháp kịp thời để bảo đảm an ninh năng lượng. Nhưng hiện nay, theo đánh giá của ThS Nguyễn Anh Tuấn, Viện Năng lượng, thì các dạng NLTT chưa được đánh giá đầy đủ.

Ông Tuấn cho rằng, cần có kế hoạch và đầu tư thích đáng cho điều tra bổ sung các số liệu, tiến tới quy hoạch, phân vùng các dạng năng lượng này để có kế hoạch đầu tư, khai thác hợp lý.

Đề nghị Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho các chương trình điều tra, nghiên cứu và chế tạo. Bên cạnh đó ông Tuấn cho rằng, cần khuyến khích các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước phối hợp đầu tư khai thác nguồn NLTT trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Với thực tế nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mà nguồn năng lượng truyền thống ngày một cạn kiệt, và chẳng bao giờ nguồn NLTT có thể thay thế được nhiên liệu hóa thạch, tuy nhiên vấn đề là chúng ta đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và đòi hỏi cần một hướng đi mới nhằm bổ sung nguồn năng lượng mới. Và điều không thể cũng sẽ phải trở thành điều có thể!

Chiến lược phát triển NLTT sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng cũng không ít những thuận lợi. Nhưng với lợi thế là quốc gia có dải bờ biển dài hơn 3.000 km cùng lợi thế tự nhiên được phân bổ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm và lượng gió dồi dào tại nhiều vùng miền, đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu, tiếp cận để phát triển tốt nguồn NLTT và để chúng trở thành nguồn cung cấp năng lượng chính trong tương lai.

Việc chuyển đổi sẽ mất nhiều thời gian nhưng không phải là không thể!

Nguồn Báo Nhân dân điện tử