Ngày 6/5/2013, tại TP.HCM, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia và Trung tâm Internet Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Ngày IPv6 Việt Nam”. Tham dự hội thảo có ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, cùng 400 đại biểu là các chuyên gia của nhiều tổ chức, diễn đàn về IPv6 trên thế giới và đại diện các doanh nghiệp trong, ngoài nước. Đây là lần thứ 2, hội thảo về IPv6 được tổ chức tại Việt Nam, sau lần đầu được tổ chức vào năm 2012.
Khi nguồn IPv4 tại châu Á Thái Bình Dương đã cạn kiệt từ ngày 15/4/2011 và chuyển sang chính sách cấp hạn chế thì việc triển khai IPv6 cho mạng Internet trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đã trở thành nhiệm vụ tối quan trọng và ưu tiên hàng đầu. Và theo lộ trình chuyển đổi đã được Bộ TT&TT phê duyệt trong kế hoạch hành động về IPv6, năm 2013 được xem là năm quan trọng nhất tại Việt Nam, ngày 6/5/2013 được chọn làm Ngày IPv6 Việt Nam.
Tại hội thảo này, ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết: "Hiện nguồn IPv4 còn lại rất ít, lại bị phân mảnh, chi phí triển khai cũng cao (10 - 15USD/địa chỉ). Trong xu hướng công nghệ thế giới và việc phát triển nhanh chóng của thiết bị di động như hiện nay, chuyển đổi sang IPv6 là một xu hướng tất yếu, là giải pháp duy nhất đáp ứng được sự phát triển đó". Tuy nhiên, theo ông Thắng quá trình triển khai phải được thực hiện theo lộ trình thích hợp.
Đồng quan điểm, ông Michael Biber, quyền Chủ tịch diễn đàn IPv6 châu Á TBD cũng cho rằng việc triển khai IPv6 hiện nay là điều bắt buộc. Bởi nguồn IPv4 tại châu Á Thái Bình Đương đã cạn từ tháng 4/2011, theo dự tính thời điểm xảy ra tình trạng tương tự ở châu Âu là tháng 9/2012, Mỹ - tháng 4/2014, châu Phi - tháng 7/2020. Sự gia tăng các thiết bị di động tại khu vực châu Á khiến cho lượng IPv4 sử dụng tăng lên nhanh chóng và nó đã cạn kiệt rất nhanh so với những khu vực khác trên thế giới.
Chính vì thế, trong xu hướng thiết bị di động gia tăng mạnh mẽ như hiện nay (đến hết năm 2013 lượng kết nối từ smartphone và các ứng dụng từ nhiều thiết bị sẽ lên tới 1,83 tỉ kết nối và hiện tại mỗi ngày có tới 1,3 triệu thiết bị Android được kích hoạt); sự phát triển liên tục của các thiết bị thông minh, hệ thống thông minh, các nền tảng mở 3.0 đang xuất hiện và đầu tư phát triển trên các thiết bị di động… cũng là một yếu tố bắt buộc phải đẩy mạnh IPv6. Có thể nói đây là con đường duy nhất để phát triển Internet trong tương lai. Theo ông Michael Biber, triển khai IPv6 phải xuyên suốt không nên để gián đoạn.
Ông Hiroshi Esaki, Giám đốc Ủy ban điều hành thúc đẩy IPv6 Nhật Bản cũng khẳng định việc phát triển IPv6 là vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển ứng dụng, xây dựng hệ thống cộng đồng thông minh… Ngoài ra, sử dụng IPv6 sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp.
Về tình hình phát triển IPv6 tại Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó giám đốc VNNIC cũng cho biết thêm, hướng ứng ngày IPv6 thế giới từ ngày 6/06/2012, VNNIC đã kích hoạt và duy trì sử dụng IPv6 tại website chính của Trung tâm: http://vnnic.vn. NetNam cũng là đơn vị đã tham gia tích cực vào sự kiện này với việc chuyển sang IPv6 cho website của công ty và một số khách hàng.
Kế thừa các kết quả đó, việc triển khai IPv6 trong giai đoạn chuẩn bị 2011 - 2012 đã đạt nhiều thành công từ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về IPv6, công tác đào tạo và hợp tác quốc tế, chuẩn bị về tài nguyên, xây dựng chính sách và thiết lập mạng IPv6 quốc gia… Ngoài ra, Ban công tác triển khai IPv6 đã phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet như VNPT, Viettel, NetNam, FPT Telecom… để từng bước triển khai IPv6 tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Thắng cũng thừa nhận thực tế là việc sử dụng IPv6 tại Việt Nam còn ít, các doanh nghiệp gặp khó khi IPv6 chưa được phổ biến rộng rãi, vẫn chỉ mang tính chất thử nghiệm; hệ quả là chưa nắm được hiệu năng thực tế của thiết bị khi triển khai trên diện rộng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.
Ông Thắng cho biết, trong thời gian tới việc triển khai IPv6 sẽ tiếp tục theo kế hoạch hành động quốc gia đã được ban hành, đẩy mạnh hơn nữa mức độ ứng dụng IPv6 một cách sâu rộng…
Nguồn ICTnews