Ninh Thuận: Những bài học kinh nghiệm từ công tác phòng chống dịch cúm H5N1 trên đàn chim yến nuôi

(NTO) Như Báo Ninh Thuận đưa tin, ngày 19/4, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 862/QĐ-UBND về việc công bố dịch cúm H5N1 trên đàn chim yến nuôi tại số nhà 592 đường Thống nhất (cơ sở nuôi yến Thanh Bình), phường Đạo Long, Tp Phan Rang-Tháp Chàm. Đây là điểm xuất hiện chim yến chết (ngày 28-3-2013) và phát hiện dương tính với virut H5N1 (ngày 4-4-2013) đầu tiên ở trên địa bàn tỉnh. Sau khi công bố dịch, tiêu hủy đàn chim yến lớn yếu và chim non, khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực nhà nuôi chim yến Thanh Bình. Chi cục Thú y tỉnh thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm chim yến sống tại nhà nuôi Thanh Bình và các cơ sở khác. Kết quả, từ ngày 20-4 các mẫu xét ngiệm đều âm tính với cúm H5N1, không phát hiện chim yến chết tại cơ sở nuôi Thanh Bình và khu vực xung quanh; đàn chim yến tại cơ sở Thanh Bình khỏe mạnh và chim yến vẫn tiếp tục bay về cư trú lại tại nơi cơ sở Thanh Bình. Thời gian xử lý ổ dịch nhanh, gọn, không lây lan ra diện rộng, vẫn duy trì bảo toàn những đàn chim yến khỏe mạnh.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Phước, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Bài học kinh nghiệm rút ra chính là sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong công tác phòng chống dịch cúm H5N1 trên đàn chim yến tại Ninh Thuận”. Tỉnh ta đã chủ động phòng chống, tiêu hủy có chọn lọc, được tiến hành theo 3 bước: Bước 1, ban ngày sau khi chim khỏe, trưởng thành bay đi khỏi tổ, số còn lại gồm chim non, chim bệnh không bay sẽ được tổ chức thu gom tiêu hủy. Bước 2, các ngày tiếp theo, sau khi chim khỏe trưởng thành bay đi khỏi tổ, số chim non, chim bệnh còn lại tiếp tục cho tiêu hủy như bước 1. Bước 3, tiến hành lấy mẫu chim sống, chim khỏe còn lại sau khi xử lý bước 1 và bước 2 để giám sát toàn bộ đàn chim, nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì giữ lại, nếu kết quả xét ngiệm dương tính thì tiêu hủy toàn bộ đàn chim yến. Song song, với việc tiêu hủy đã tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng bên trong và xung quang nhà nuôi chim yến. Dùng vôi rải xung quanh nhà nuôi chim yến, dùng hóa chất Benkocid và Virkon-S phun 2 lần/ngày bên trong và bên ngoài nhà nuôi yến trong thời gian tiêu hủy (3 ngày); phun hóa chất Benkocid và Virkon-S mỗi ngày 1 lần liên tục trong 1 tuần sau khi tiêu hủy. Ngành y tế tiến hành tổ chức tiêu độc khử trùng toàn bộ khu dân cư sống xung quanh khu vực có nhà nuôi chim yến xảy ra dịch và các nhà nuôi yến khác nhằm phòng chống cúm H5N1 lây sang người”.

Tuy nhiên, qua sự việc này, nhiều vấn về đề quản lý, phòng chống dịch cúm H5N1 trên đàn chim yến có những bất cập: lần đầu tiên xảy ra dịch cúm H5N1 trên đàn chim yến, một loài chim hoang dã được người dân nuôi nên các cơ quan chuyên môn và người nuôi chim yến đều lúng túng trong công tác quản lý chuyên môn về xử lý dập dịch. Việc người dân nuôi chim yến tự phát quá nhanh, trong khu vực dân cư đô thị không theo quy hoạch gây khó khăn trong công tác kiểm soát, phòng chống dịch. Ngay cả cơ sở nuôi chim yến Thanh Bình đã nuôi hơn 10 năm nhưng vẫn chưa có các giải pháp phòng chống khi xảy ra dịch cúm…

Đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng để quản lý, phòng chống dịch cúm H5N1 hiệu quả trên đàn chim yến trước mắt và lâu dài, UBND tỉnh chỉ đạo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần sớm tiến hành quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong khu vực dân cư tập trung. Không cho xây dựng mới nhà nuôi yến trong khu dân cư, đô thị; đối với những nhà nuôi yến cũ trong nội thành, đô thị xem xét đến thời gian nào cần chấm dứt nuôi, di đời. Đồng thời, tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm ban hành Thông tư quy định về điều kiện nuôi chim yến và khai thác chim yến làm cơ sở pháp lý để các địa phương đưa hoạt động nuôi chim yến vào nề nếp, có sự quản lý, bảo đảm các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh. Ban hành những quy định cụ thể về biện pháp phòng chống dịch bệnh trên chim yến, chim hoang dã để có cơ sở xử lý kịp thời, hiệu quả khi có dịch bệnh xảy ra. Khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ cho cơ sở nuôi chim yến bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra.