Các cuộc làm việc đã đạt được các thỏa thuận quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa các Phòng Thương mại và Công nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,
doanh nghiệp hai nước đã ký các hợp đồng về hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: Thu Hiên
Tại các cuộc làm việc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước đều đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan Chính phủ trong việc triển khai đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan. Hiệp định sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy quan hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp cả về xuất nhập khẩu và đầu tư. Kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước sẽ tăng nhanh, với Nga năm 2015 có thể tăng từ 2 đến 3 lần so với hiện nay. Hiệp định thương mại tự do sẽ khởi đầu xu hướng chuyển dịch đầu tư của Nga sang Việt Nam để tận dụng lợi thế nguồn lao động dồi dào với chi phí tương đối thấp để xuất khẩu trở lại Nga, Liên minh thuế quan và các nước SNG. Hiệp định thương mại tự do cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác lao động Việt – Nga và Liên minh thuế quan, phát triển một số lĩnh vực công nghiệp đặc biệt là cơ khí chế tạo, chế biến, và tận dụng tiềm năng các nguồn tại nguyên thiên nhiên và công nghệ của Nga, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong một số ngành công nghiệp tại Nga. Với Hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp và lao động Việt Nam có thể tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình phát triển vùng Viễn Đông, Siberi của Nga theo cam kết của Chính phủ hai nước. Các Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp đã thống nhất chủ trương thành lập Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Nga – Belarus – Kazakhstan và xây dựng chương trình hành động thúc đẩy thực hiện hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan trong cộng đồng doanh nghiệp
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước cũng nhất trí ủng hộ chủ trương của hai Chính phủ trong việc sớm xây dựng chương trình thúc đẩy hợp tác kinh tế toàn diện và danh mục các dự án đầu tư ưu tiên trong công nghiệp, năng lượng, chế tạo ô tô và du lịch, các Phòng Thương mại và Công nghiệp sẽ tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chương trình và các dự án ưu tiên này, thúc đẩy việc hình thành các quan hệ đối tác chiến lược giữa các tập đoàn kinh tế lớn của các nước.
Đồng thời với việc thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn, hai Phòng Thương mại và Công nghiệp sẽ hợp tác, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào quá trình liên kết kinh tế giữa Việt Nam với Liên bang Nga và Liên minh thuế quan trong thời gian sắp tới. Các Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nga (IIB) đã ký các thỏa thuận về chương trình tín dụng với các ngân hàng lớn của Việt Nam: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng HDB để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào tiến trình này và tiếp tục thúc đẩy các thể chế tài chính, khoa học công nghệ, các cơ sở đào tạo của hai nước, hướng những nỗ lực của mình vào trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại Công nghiệp Liên bang Nga thống nhất sẽ thúc đẩy và hỗ trợ thiết lập quan hệ hợp tác rộng rãi giữa các cơ sở dạy nghề của hai nước, thực hiện các chương trình liên hết đào tạo, kết hợp lý thuyết và thực hành tại các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp Nga, trên cơ sở đó thúc đẩy hợp tác lao động Việt Nga trong điều kiện mới của Hiệp định thương mại tự do; Thống nhất hỗ trợ thúc đẩy hợp tác kỹ thuật và chuyển giao công nghệ giữa các Viện Nghiên cứu và doanh nghiệp Nga với các doanh nghiệp Việt Nam trong những lĩnh vực mà Nga có thể mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nano, công nghệ sinh học....
Hai bên nhận định cơ cấu kinh tế của Việt Nam và các nước thuộc liên minh thuế quan có tính bổ sung tốt cho nhau và cho rằng bên cạnh việc tăng cường hợp tác của các tập đoàn kinh tế lớn của hai nước trong các lĩnh vực chiến lược: Năng lượng, dầu khí, khai thác khoáng sản, cơ khí chế tạo, công nghiệp quân sự và quốc phòng,... các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế tương đối, Nga và Liên minh thuế quan có nhu cầu như: Nông sản, thực phẩm, hàng dệt may, giày dép, đồ da, đồ gỗ, điện tử... và để đáp ứng yêu cầu của thị trường Nga và Liên minh thuế quan, các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cẩn trọng trong việc bảo đảm chất lượng đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước cũng đã thống nhất tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn doanh nghiệp, gặp gỡ doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị, hội thảo, các hội chợ, triển lãm, tăng cường hỗ trợ liên kết giữa các Hiệp hội ngành hàng của hai bên, hỗ trợ hoạt động của Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga và Hội Doanh nghiệp Nga tại Việt Nam... trong thời gian tới.
Ngày 4/6 tới đây, các Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp thuộc Liên minh thuế quan sẽ họp và tiến hành trao đổi với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chương trình hành động cụ thể, nhằm thực hiện tốt phương hướng hợp tác nêu trên.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam