Giám sát chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm

(NTO) Các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh đầu cấp và đại học, cao đẳng đang đến gần. Đây là thời điểm học sinh tập trung nước rút để chuẩn bị cả kiến thức và tâm lý tốt nhất cho mình. Ngoài giờ học chính khóa, những lớp học thêm luôn là giải pháp được đa số học sinh và phụ huynh lựa chọn.

Khi đặt vấn đề về sự cần thiết của những lớp dạy thêm, học thêm (DTHT), gần như 100% giáo viên và học sinh được hỏi đều khẳng định là có. Các giáo viên thì cho rằng, chương trình học hiện nay vẫn còn quá nặng, giờ học chính khóa trên lớp mới chỉ đáp ứng được việc truyền dạy kiến thức căn bản cho học sinh, còn nếu muốn nâng cao, bồi dưỡng hay đặc biệt phụ đạo thêm cho những học sinh yếu kém thì chắc chắn phải cần những giờ học thêm. Một học sinh giỏi của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho rằng, nếu học sinh có ý thức và quyết tâm thì không cần đến lớp học thêm mà vẫn có thể học tốt, thậm chí là tốt hơn đi học thêm. Tuy nhiên, dù việc học thêm là tự nguyện, không bị thầy, cô giáo bắt ép, nhưng chúng em vẫn luôn có tâm lý “sợ thua” bạn bè nên vẫn không thể không đến các lớp học thêm.

Trường THPT An Phước tổ chức phụ đạo tập trung cho học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp
Ảnh: Sơn Ngọc

Bên cạnh tâm lý sợ thua thiệt thì nhiều học sinh cũng thừa nhận rằng, vì ý thức tự học của mình không cao nên đi học thêm là cách để rèn luyện bản thân. Thi đua với bạn bè, phải hoàn thành những bài tập của thầy, cô giáo, phải liên tục đối diện với những câu hỏi truy bài của giáo viên… sẽ có động lực hơn so với việc học sinh tự tìm kiếm bài tập để giải. 100% phụ huynh được hỏi cũng khẳng định rằng việc học thêm là cần thiết, và bản thân họ khi thấy con đều đặn đến lớp học thêm thì yên tâm hơn nhiều so với việc con tự học ở nhà…

Theo chủ trương chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, DTHT không phải là hoạt động đáng bị lên án và nghiêm cấm. Điều quan trọng là phải có những chế tài quản lý chặt chẽ để hạn chế tới mức thấp nhất, tiến tới triệt tiêu những tiêu cực do DTHT gây ra. Trên cơ sở những văn bản quy định về DTHT của Bộ, ngày 22-10-2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 62/2012/QĐ-UBND quy định Về DTHT trên địa bàn tỉnh.

Gần nửa năm sau khi quyết định được ban hành, đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Hoạt động DTHT trên địa bàn tỉnh ta cơ bản đã được quản lý; thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định. Sở GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn quy trình thủ tục xin cấp giấy phép DTHT trong và ngoài nhà trường. Đến nay, Sở đã cấp 66 giấy phép DTHT cho các tổ chức, cá nhân, trong đó, có 18 cơ sở dạy thêm trong trường học với 304 giáo viên tham gia giảng dạy và 48 cơ sở DTHT ngoài nhà trường do 74 giáo viên giảng dạy. Toàn bộ thông tin về các cơ sở DTHT đều được ngành GD&ĐT gửi tới các cơ quan liên quan, các xã, phường để phối hợp quản lý.

Riêng ở cấp THCS, tính đến ngày 12-3-2013, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đã cấp 29 giấy phép DTHT, trong đó chủ yếu là các cơ sở DTHT do nhà trường đứng ra tổ chức. Thực hiện theo sự chỉ đạo của ngành, mỗi trường học đều nghiêm túc thực hiện công tác phối hợp, giám sát chặt chẽ việc DTHT. Cô Lê Thị Vân, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Đình Chinh, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm khẳng định: Chúng tôi kiên quyết không để xảy ra tiêu cực trong DTHT. Nhà trường đã quán triệt quy định về DTHT đến từng giáo viên, học sinh và thông tin sâu rộng để phụ huynh cùng tham gia giám sát. Điều quan trọng, là hiện nay trường thực hiện kiểm tra chung đề cho học sinh tất cả các khối lớp đối với những bài kiểm tra từ 1 tiết trở lên. Như vậy, giáo viên sẽ không thể bắt ép hay lạm dụng việc dạy thêm để thực hiện những tiêu cực trong thi cử.

Năm học 2012-2013, Thanh tra Sở GDĐT đã tiến hành thanh tra hoạt động DTHT tại 9 phường của Tp. Phan Rang – Tháp Chàm và thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải. Kết quả thanh tra, chưa có điểm DTHT nào có biểu hiện tiêu cực; lớp học đều được tổ chức trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và học sinh, các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên… đều đảm bảo theo quy định. Để tăng cường giám sát và hạn chế tới mức thấp nhất những tiêu cực từ hoạt động DTHT, đồng chí Nguyễn Bá Ninh cho rằng: Ngành GDĐT là cơ quan chủ quản, nhưng rất cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan, các cấp chính quyền địa phương và đặc biệt là những thông tin phản ánh kịp thời của phụ huynh, học sinh nói riêng và xã hội nói chung. Có như vậy thì việc DTHT mới thật sự đúng thực chất, đáp ứng đúng mong muốn, mục đích của cả người dạy và người học.