Xã hội hóa giáo dục: Cách làm hay từ Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lê Lợi

(NTO) Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lê Lợi (xã Phước Thắng, Bác Ái) được xây dựng vào năm 2010. Ban đầu chỉ có 10 phòng lầu, đến năm 2012, từ nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ, nhà trường được đầu tư xây dựng thêm 12 phòng lầu và công trình vệ sinh.

Nhìn chung, cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng được nhu cầu học tập cho 102 học sinh. Tuy nhiên, để thực sự trở thành trường học “thân thiện”, còn có hàng loạt công trình phụ trợ cần sự đóng góp của xã hội. Với tinh thần trách nhiệm cao, tranh thủ thời điểm xây trường, thầy giáo Lê Trạc Minh, Hiệu trưởng đã đặt vấn đề với đơn vị thi công hỗ trợ vật tư lắp đặt đường ống dài 450 m dẫn nước từ Hệ thống nước sạch Khu tái định cư Phước Thắng về sử dụng.

 
Nhờ tạo ra môi trường xanh - sạch - đẹp, nên học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lê Lợi ngày càng tích cực đến trường.

Kết quả sau 2 tuần triển khai thực hiện có sự đóng góp công sức của thầy và trò, từ năm học này nhà trường đã có nước sạch sinh hoạt. Thành công bước đầu từ thực hiện “xã hội hóa giáo dục” tạo đà cho nhà trường tiếp tục vận động các doanh nghiệp trên địa bàn, giáo viên, phụ huynh học sinh đóng góp làm sân trường, nhà để xe, sơn sửa lại các phòng ốc xây dựng trước đây. Trên tinh thần tự nguyện, chỉ sau một thời gian ngắn, nhà trường đã quyên góp được hàng trăm bao xi-măng, cây gỗ để làm nhà xe rộng 75 m2 và đổ bê-tông sân trường. Từ chỗ về mùa nắng bụi bặm, mùa mưa sình lầy, đến nay trong khuôn viên sân trường đã có đường đi lối lại làm bằng bê-tông sạch đẹp.

Không dừng lại đó, đầu 2013 nhà trường phát động phong trào trồng cây xanh tạo bóng mát trong sân trường. Người đi tiên phong trong phong trào này là thầy hiệu trưởng đã ươm những cây dừa, tự tay trồng và chăm sóc. Thầy hiệu trưởng còn liên hệ với Ban Quản lý rừng đầu nguồn hồ Sông Sắt hỗ trợ 1.000 cây neem, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đóng góp công sức đào hố trồng cây. Nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh tặng nhà trường những cây cảnh có giá trị, tiêu biểu như anh Nguyễn Minh Đức ở xã Phước Thắng.

Chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện xã hội hóa giáo dục, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lê Lợi khang trang, sạch đẹp hơn trước nhiều, tạo môi trường giáo dục tốt. Điều đáng mừng là từ đầu năm học đến nay chưa có học sinh nào bỏ học giữa chừng. Kết quả sơ kết học kỳ I, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng.

Đồng chí Trần Thị Vân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bác Ái, cho biết: Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lê Lợi là điểm sáng trong thực hiện “xã hội hóa giáo dục” ở địa phương. Cách làm của nhà trường đáng để các đơn vị khác học hỏi làm theo.