Dân bỏ làng lên rẫy, nhiều trẻ em không được đến trường

(NTO) Người dân bỏ làng tái định cư trở về rẫy cũ làm ăn sinh sống khiến nhiều trẻ em không được đến trường là thực trạng đang diễn ra tại thôn Ma Rớ, xã Phước Thành, huyện Bác Ái.

Thôn Ma Rớ có trên 150 hộ dân tộc Raglai. Năm 1999, tỉnh ta có chương trình định canh, định cư, vận động người dân sống ở vùng cao xuống tập trung ở khu vực đông dân cư để thuận tiện cho việc sinh hoạt. Các hộ dân thôn Ma Rớ sống ở Tiểu khu 55 (giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa), cách trung tâm xã khoảng 5km được đưa về địa điểm mới ở thôn Đá Ba Cái. Về làng tái định cư, các hộ dân được hỗ trợ làm nhà và cấp đất sản xuất. Tuy nhiên, chỉ có 20 ha diện tích đất sản xuất được khai phá nên không đủ để cấp cho tất cả các hộ dân, hơn nữa đất lại quá xấu, ảnh hưởng đến sản xuất. Trong khi đó, nơi mà bà con thôn Ma Rớ sinh sống trước đây là vùng đất tốt, dễ trồng trọt và chăn nuôi. Chính vì vậy, nhiều hộ dân còn đất sản xuất ở làng cũ đã trở về đó để làm ăn sinh sống.

Khi người dân trở về rẫy cũ thì con cái họ cũng phải đi theo, vì vậy nhiều trẻ em đã không được đến trường do sống xa khu dân cư, xa trường học. Đồng chí Đậu Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Phước Thành cho biết, thôn Ma Rớ hiện có khoảng 25 trẻ trong độ tuổi đi học nhưng không được đến trường. Mặc dù xã đã huy động cán bộ, giáo viên Trường TH Phước Thành B cũng như các đoàn thể đến từng hộ gia đình vận động người dân cho con em đi học nhưng vẫn không có kết quả.

Trước tình hình đó, xã Phước Thành chủ trương tiếp tục để bà con sinh sống và sản xuất tại khu vực Tiểu khu 55, đồng thời đề xuất UBND tỉnh cho tách thôn Ma Rớ để xã dễ quản lý, tránh sự nhập cư của người dân Khánh Hòa ( vì khi chuyển về khu tái định cư, nhiều hộ dân đã bán đất sản xuất ở làng cũ, nên hiện nay ở đó có rất nhiều hộ dân tỉnh Khánh Hòa đến mua đất sinh sống). Sau khi được tách thôn, địa phương sẽ cho thành lập một điểm trường ngay tại đó, tạo điều kiện để con em đồng bào dân tộc thiểu số được học cái chữ, được đến trường như bao trẻ em khác.