Từ vụ ngộ độc rượu
Chỉ trong thời gian ngắn (từ 29-4 đến 2-5), tại thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh (Ninh Phước) đã có 9 người tử vong, 4 người phải nhập viện cấp cứu. Riêng các ngày 27, 28 và 29-4 mỗi ngày tại đây có 2 người chết. Hầu hết, đều có cùng triệu chứng nôn ói, đau đầu, đau bụng, mắt mờ, tay chân co giật, người tím tái… sau khi uống rượu.
Nhờ cấp cứu kịp thời nên các nạn nhân ngộ độc rượu đã qua cơn nguy kịch.
Anh Chamaléa Linh, Phó BQL thôn Liên Sơn 2, cho biết: Toàn thôn có 340 hộ, với trên 2.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai. Người dân tại địa phương thường có thói quen uống rượu sau khi đi làm rẫy về. Khi có đám chết, người dân thường mua rượu mang tới viếng và cùng uống rất nhiều với mọi người. Chỉ đến khi thấy hiện tượng bất thường, trong một thời gian ngắn, tại địa phương có nhiều người chết, mọi người mới nghĩ đến nguyên nhân là do ngộ độc rượu.
Qua điều trị tại các cơ sở y tế, các y-bác sĩ cũng đã xác định nguyên nhân do ngộ độc rượu. Trung tâm Y tế huyện lấy mẩu rượu tại các quán ở thôn Liên Sơn 2 mà gia đình có người chết đã mua uống, đưa đi xét nghiệm và cho kết quả hàm lượng methanol cao hơn 5% (tỷ lệ cho phép là không quá 0,1%). Hiện công an đã lập biên bản thu giữ 40 lít rượu còn tồn tại 4 quán rượu. Các chủ quán khai đã lấy rượu của ông Nguyễn Đình Toan (tên thường gọi là Xoan) ở thôn Phước Thiện 1, xã Phước Sơn (Ninh Phước). Qua khai báo của ông Toan, ông đã nấu rượu từ 10 năm nay, bằng “công nghệ” truyền thống, ủ cơm lên men rồi nấu, sử dụng nước máy và men Dư Thủy, không pha chế gì thêm.
Qua tìm hiểu tại thôn Liên Sơn 2, mặc dù đây là một thôn nghèo nhưng có đến trên 10 quán bán rượu. Phần lớn rượu trong thôn được một số chủ lò rượu nấu tại các địa phương khác mang lên “bỏ mối” với giá 9.500 đồng/lít và được bán lại cho người dân sử dụng với giá 12.000đồng/lít. Với thói quen uống rượu nhiều, người dân thường mua rượu được bán gần nhà để uống...
Nghĩ về công tác quản lý rượu tự nấu
Nhằm tăng cường công tác quản lý, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và giúp thị trường tiêu thụ rượu lành mạnh hơn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu. Theo đó, tất cả các loại rượu đều phải gắn tem, nhãn và việc sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép và Nghị định này đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Tuy nhiên, đến nay, tại các địa phương, hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu vẫn diễn ra bình thường. Điều này có nghĩa là người nấu rượu và người bán rượu không có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này vẫn thường xuyên cung cấp một số lượng lớn rượu ra thị trường, cho dù rượu không đăng ký nhãn mác.
Trong khi đó có một thực tế hiện nay, tại các quán nhậu bình dân, rượu bán ở đây hầu hết là rượu nấu và không có nhãn mác. Cùng với đó, không khó để có thể vào một cửa hàng tạp hóa nhỏ ven đường để mua khoảng chục lít rượu không rõ nguồn gốc một lúc. Tại nhiều địa phương, qua tìm hiểu có rất nhiều lò nấu rượu trắng, nhưng từ khi Nghị định 94 có hiệu lực đến nay, chưa ghi nhận được trường hợp hộ nấu rượu tư nhân nào đến đăng ký cấp phép kinh doanh rượu đối với chính quyền địa phương.
Thiết nghĩ việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu tự nấu là rất cần thiết. Tuy nhiên, để việc thực hiện mang lại hiệu quả, ngành chức năng cần sớm có hướng dẫn cụ thể, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, kết hợp kiểm tra, chấn chỉnh, vừa tạo điều kiện để những hộ dân đăng ký sản xuất hợp quy chuẩn, bảo đảm quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa phát huy vai trò quản lý của Nhà nước đối với mặt hàng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
Ngũ Anh Tuấn