Theo phóng viên TTXVN tại Oasinhtơn (Washington) ngày 1-5, trong cuộc hội thảo “Mở rộng hợp tác” trong khuôn khổ LMI do Đại sứ quán Việt Nam cùng Bộ Ngoại giao Mỹ phối hợp tổ chức tại Oasinhtơn, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh ghi nhận việc LMI ngày càng phát triển đa dạng, mở rộng về quy mô, là một nỗ lực quan trọng trong quan hệ Mỹ-ASEAN. Ông đồng thời ghi nhận sự đóng góp tích cực cho mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển, hình thành cộng đồng ASEAN vào 2015. Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đánh giá cao nỗ lực chính phủ và các công ty Mỹ đã tích cực tham gia diễn đàn để cùng thúc đẩy LMI phát triển.
Phát biểu tại hội thảo, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Giôxép Uyn (Joseph Yun) cho biết LMI đóng một vai trò quan trọng trong chính sách tái cân bằng ở châu Á của Mỹ. Ông cũng đánh giá cao vai trò của Việt Nam, trong đó có Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, trong việc thúc đẩy sáng kiến này. Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết chính quyền Oasinhtơn hài lòng với giai đoạn khởi đầu của sáng kiến, vốn được Tổng thống Barắc Ôbama (Barack Obama) và cựu Ngoại trưởng Hilari Clintơn (Hilary Clinton) khởi xướng năm 2009, bao gồm các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và từ năm 2012 có thêm Mianma. Các dự án được triển khai trên các lĩnh vực như y tế cộng đồng, giáo dục, an ninh lương thực và an ninh năng lượng.
Thời gian qua, Mỹ đã phối hợp triển khai thành công một số dự án như đánh giá khai thác nguồn nước, xây dựng đập thủy điện, khắc phục hậu quả lũ lụt, ngăn ngừa bệnh sốt rét, nâng cao trình độ tiếng Anh. Đồng thời, Mỹ khẳng định sẽ ưu tiên thúc đẩy hợp tác với các nước tiểu vùng hạ lưu sông Mê Công trong thời gian tới.
Trả lời phóng viên TTXVN tại Mỹ, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Uyn cho biết trong kế hoạch Bộ Ngoại giao Mỹ xây dựng đệ trình lên Quốc hội nước này thông qua về ngân sách hoạt động, riêng các chương trình hỗ trợ ở khu vực Đông Nam Á tăng 7,5%, trong khi các khu vực khác đều giảm do áp lực của chương trình cắt giảm ngân sách của Mỹ bắt đầu từ năm 2013. Ước tính, nguồn ngân sách mà chính quyền Mỹ hỗ trợ LMI là 50 triệu USD trong vòng ba năm.
Tham dự hội thảo còn có nhiều bộ ngành của Mỹ như Bộ Năng lượng, Bộ Thương mại, Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế (USAID), ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ Exim Bank, đại sứ quán các nước ASEAN ở Mỹ và các học giả quan tâm.
Bên cạnh những đánh giá lạc quan, một số chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng LMI cũng có những thách thức, trong đó có sự khác biệt về mức độ quan tâm giữa các quốc gia trong tiểu vùng, do lợi ích của các nước có sự khác biệt, đặc biệt là về an ninh lương thực và an ninh năng lượng. Chuyên gia về Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Stimson có trụ sở ở Oasinhtơn cho biết, các dự án xây đập trên sông Mê Công của các nước trong tiểu vùng và cả từ thượng nguồn có thể giải quyết nhu cầu năng lượng của một số nước, nhưng lại ảnh hưởng tới nguồn nước, nguồn lương thực của các nước khác.
Khu vực hạ lưu sông Mê Công bao gồm một khu vực rộng lớn, có diện tích 600.000 km2, với khoảng 60 triệu dân, trong đó có 19 triệu người thuộc Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Theo TTXVN