Nhằm giúp cho bạn đọc hiểu rõ thực chất của vấn đề, qua tìm hiểu từ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các văn bản, giấy tờ liên quan trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với trường hợp nêu trên, chúng tôi phản ảnh lại thực tế như sau:
Cụ Nguyễn Thị Đều, sinh năm 1919, quê ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, là thương binh hạng 2/4, có hai con là liệt sĩ và hiện đang sống cùng con gái là bà Lê Thị Mận, 64 tuổi (thương binh 21%) tại thôn Cà Đú, xã Thành Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm.
Năm 1998, bà Mận có đơn xin chuyển chế độ thương binh cho cụ Đều và hồ sơ liệt sĩ từ tỉnh Bình Định đến Ninh Thuận, đồng thời bà Mận có làm cam kết bảo đảm nuôi dưỡng, chăm sóc cụ Đều lúc già yếu, đau bệnh, đến cuối đời (…). Từ đó đến nay, cụ Đều sống chung một nhà với bà Mận.
Theo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, cho biết: Các chế độ chính sách ưu đãi hàng tháng của cụ Đều từ khi chuyển về Ninh Thuận đến nay đều được chi trả đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Hiện mức hưởng hàng tháng của cụ Đều bao gồm: trợ cấp tuất liệt sĩ, trợ cấp thương binh, trợ cấp đối với người có công cách mạng và trợ cấp bảo trợ xã hội cho người cao tuổi tổng cộng là 4.986.000 đồng/tháng. Ngoài ra, các dịp lễ, tết, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, tặng quà đối với gia đình cụ. Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Mận cũng khẳng định các chế độ, chính sách của cụ Đều được gia đình nhận đầy đủ.
Năm 2002, gia đình cụ Đều có đơn xin “cứu xét” xây nhà tình nghĩa. Xét tại thời điểm lúc bấy giờ, ở địa phương còn rất nhiều gia đình chính sách khó khăn hơn cụ Đều, nhưng vẫn chưa được giải quyết, trong lúc cụ Đều đang sống cùng con gái có nhà ở ổn định và căn cứ theo Quyết định số 118/TTg ngày 27-2-1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở, phải bảo đảm các nguyên tắc như phù hợp với tình hình KT-XH của đất nước; căn cứ hoàn cảnh cụ thể của từng người, điều kiện và khả năng của địa phương; không hỗ trợ đồng loạt hoặc bình quân cho tất cả các đối tượng,… Vì vậy hoàn cảnh gia đình cụ Đều chưa quá bức xúc về nhà ở, cần phải giải quyết kịp thời. Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã có văn bản số 28 ngày 8-4-2002 trả lời, giải thích cụ thể đối với gia đình. Tuy nhiên, gia đình không hài lòng và có đơn khiếu nại đề nghị giải quyết chính sách đối với gia đình thương binh, liệt sĩ...
Qua khảo sát thực tế về hiện trạng nhà ở của gia đình cụ Đều, từ năm 1998 đến nay, cụ Đều sống với con gái là bà Lê Thị Mận, ở thôn Cà Đú trên thửa đất số 39, tờ bản đồ số 8c, loại đất ONT với diện tích 269,6 m2 do bà Lê Thị Mận đứng tên; diện tích đang sử dụng làm nhà ở là 153,7 m2 gồm 3 căn nhà cấp IV liền kề nhau. Căn thứ nhất, với diện tích 35,7 m2 gia đình đang sử dụng làm nơi buôn bán; căn thứ hai là nhà cấp IV kiên cố với diện tích 73,7 m2, gia đình đang sử dụng để ở; căn thứ ba xây bằng táp-lô.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở, địa phương cũng quan tâm đến trường hợp của cụ Đều nhiều lần có đơn đề nghị xây dựng nhà tình nghĩa, nên tháng 10-2010 khi Công đoàn Viên chức Việt Nam có chủ trương hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho người có công tại tỉnh Ninh Thuận (trị giá 30 triệu đồng và hỗ trợ một ti vi 5 triệu đồng), Công đoàn Viên chức tỉnh đã làm việc với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và được giới thiệu ưu tiên xây dựng nhà cho cụ Đều. Qua khảo sát, lúc bấy giờ cụ Đều không có đất ở hợp pháp, do vậy Công đoàn Viên chức tỉnh đã đề nghị bà Mận (con gái cụ Đều) làm thủ tục giao lô đất mà cụ Đều đang ở tạm để tiến hành xây nhà tình nghĩa cho cụ, nhưng bà Mận không đồng ý. Do vậy, Công đoàn Viên chức tỉnh đã chuyển suất nhà này xây cho 1 gia đình ở huyện Bác Ái.
Tháng 9-2011, cụ Đều tiếp tục có đơn đề nghị xây dựng nhà tình nghĩa gửi Sở LĐ-TB&XH. Để có cơ sở giải quyết cho cụ Đều, ngày 14-10-2011, Phòng LĐ-TB&XH Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm có Công văn số 179/LĐTBXH-NCC trả lời và hướng dẫn gia đình cụ Đều liên hệ với UBND xã Thành Hải để hướng dẫn thủ tục giải quyết theo đúng quy trình. Theo QĐ 118 của Thủ tướng Chính phủ, việc xem xét để hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở phải dựa trên kiến nghị của UBND phường, xã, thị trấn nơi người đó cư trú và những kiến nghị đó phải được UBND quận, huyện, thị xã, thành phố xác minh lại trước khi trình lên cấp tỉnh…Tuy nhiên, gia đình cụ không liên hệ với UBND xã Thành Hải để được hướng dẫn thủ tục.
Ngày 9-1-2012, Sở LĐ-TB&XH có công văn gửi UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đề nghị chỉ đạo UBND xã Thành Hải hướng dẫn gia đình cụ Đều làm đơn và lập thủ tục đề nghị giải quyết cải thiện nhà ở. Ngày 1-3-2012, UBND xã Thành Hải tiến hành khảo sát về tình hình mức sống và thực trạng về nhà ở, đất ở của gia đình cụ Đều. Như đã nêu ở trên và căn cứ Quyết định 118/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND ngày 15-1-2008 của UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quy định hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở, thì việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở được thực hiện theo phương châm: Không hỗ trợ đồng loạt cho tất cả các đối tượng. Những người được hỗ trợ phải thật sự khó khăn về nhà ở. Người có khó khăn đặc biệt được hỗ trợ trước, người ít khó khăn hơn thì xem xét hỗ trợ sau; những trường hợp đã có nhà ở do bản thân hoặc gia đình tự tạo lập, nhà ở do con cháu ruột trực tiếp nuôi dưỡng, đều xem như đã có nhà ở, không thuộc diện xét cấp đất, cấp nhà và cải thiện nhà ở… Như vậy đối với trường hợp gia đình cụ Đều đã có đất ở, nhà ở ổn định, về nguyên tắc hỗ trợ cải thiện nhà ở thì gia đình cụ Đều chưa thuộc diện khó khăn về đất ở, nhà ở.
Tuy nhiên, xét về hoàn cảnh thì cụ Đều tuổi đã cao (95 tuổi), thương binh 61%, mẹ của hai liệt sĩ và 1 con gái là thương binh 21% (bà Lê Thị Mận). Ngày 13-9-2012, UBND Tp. Phan Rang – Tháp Chàm ra Quyết định 2675/QĐ-UBND về việc giao cho bà Nguyễn Thị Đều thửa đất thuộc Khu quy hoạch tái định cư Thành Hải (giai đoạn 2), xã Thành Hải, với diện tích 184 m2 và miễn giảm 100% tiền sử dụng đất. Ngày 22-10-2012, bà Mận đại diện ký nhận Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho hộ bà Nguyễn Thị Đều.
Tỉnh ta mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nhiều năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã phát huy tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần, hỗ trợ gia đình chính sách, người có công trong tỉnh vươn lên, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 3.473 người có công cách mạng. Chỉ tính trong 5 năm (từ năm 2007-2012), từ “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 3.256 căn nhà, tổng trị giá 35,465 tỷ đồng; đã vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân tặng 2.352 sổ tiết kiệm, tổng trị giá 941,5 triệu đồng. Qua đó, tỷ lệ hộ chính sách có nhà ở ổn định đạt trên 95%, tỷ lệ hộ chính sách có mức sống trung bình trở lên đạt trên 98%; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh-liệt sĩ, người có công. Như vậy trường hợp của cụ Nguyễn Thị Đều cũng không phải là ngoại lệ.
Trọng Tuệ