Phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng đảng. Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, bản lĩnh cầm quyền của Đảng. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra các căn bệnh nguy hiểm trong cán bộ, đảng viên như: kiêu ngạo, hống hách, hẹp hòi, tham nhũng… Người kêu gọi mọi cán bộ, đảng viên phải hành động quyết liệt để chống lại những căn bệnh đó để nhân dân tin Đảng và Đảng phải vững mạnh để phục vụ nhân dân.
Thực tiễn những năm qua, công tác xây dựng đảng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được nâng lên. Đa số cán bộ, đảng viên đều kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Song, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, kèn cựa địa vị, bè phái, chạy chức chạy quyền, độc đoán, vi phạm kỷ luật,… diễn ra ngày một nghiêm trọng. Những hiện tượng tiêu cực này ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực, uy tín, vai trò lãnh đạo, giảm sút sức chiến đấu của Đảng và tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên, làm mục ruỗng bộ máy Đảng, Nhà nước từ bên trong, nhất là đối với những cán bộ lãnh đạo, quản lý có chức, có quyền. Nhân dân lo lắng, bức xúc, giảm lòng tin vào Đảng, chính quyền. Đó cũng là điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng.
Nguyên nhân của thực trạng trên như Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng đã đề cập: một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân, thiếu bản lĩnh, lập trường trước sự tác động tiêu cực từ đời sống xã hội, để cho cái xấu xâm nhập, lấn át cái tốt, để cho chủ nghĩa cá nhân chi phối bản thân.
Để xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh... củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, phải thực hiện đồng bộ, triệt để các giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 đề ra, tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, kịp thời xác định những biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên để có biện pháp phòng, chống hiệu quả.
Suy thoái về đạo đức, lối sống có nguyên nhân từ suy thoái về tư tưởng chính trị; suy thoái về tư tưởng chính trị được bắt đầu từ sự tha hóa về đạo đức, lối sống. Biểu hiện của suy thoái về đạo đức, lối sống là cơ hội, thực dụng, vụ lợi, tham nhũng, hối lộ, sống buông thả, xa xỉ, quan liêu, xa dân, nói không đi đôi với làm, làm trái chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, thích nghe thành tích, ngại nghe và nói sự thật… Biểu hiện của suy thoái về tư tưởng là xa rời những nguyên tắc của Đảng; quan điểm, lập trường chính trị dao động, phai nhạt lý tưởng cách mạng, giảm sút ý chí chiến đấu, mơ hồ, hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thiếu nhiệt huyết và sa vào chủ nghĩa cá nhân... Sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tất yếu dẫn tới sự suy yếu tổ chức và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Chỉ khi nhận diện đúng nguồn gốc và những biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống, suy thoái chính trị tư tưởng chúng ta mới có thể xác định nội dung, biện pháp phòng, chống hiệu quả.
Thứ hai, nâng cao sức lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở.
Đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên phải bắt đầu từ cơ sở, trước hết phải nâng cao sức chiến đấu của chi bộ, đảng bộ. Các tổ chức đảng, nhất là cấp ủy phải thực sự trong sạch, vững mạnh, phát huy tốt dân chủ trong sinh hoạt đảng, làm tốt công tác tự phê bình và phê bình trong đảng bộ, chi bộ cơ sở. Các tổ chức đảng và cấp ủy các cấp phải chăm lo xây dựng đạo đức cách mạng, tăng cường quản lý về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, các mối quan hệ, cách sống, hoàn cảnh gia đình và tài sản của cán bộ, đảng viên thuộc quyền. Thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước; xử lý nghiêm minh, dứt điểm, công khai các sai phạm.
Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình ở cơ sở, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức đúng và nghiêm túc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng. Phải tự tu dưỡng mình và giúp đồng chí mình tiến bộ. Các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên cần tập trung kiểm điểm, tự phê bình và phê bình về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thực hiện nghiêm Quy định về những điều đảng viên không được làm; xác định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, từng đảng viên và người đứng đầu về những hạn chế, khuyết điểm; trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ và trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”... Trong tự phê bình và phê bình phải tiến hành đồng bộ từ trên xuống dưới nghiêm túc, chất lượng với hình thức phù hợp cho từng đối tượng; trong đánh giá phải khách quan, thẳng thắn, chỉ ra những ưu điểm của cán bộ, đảng viên để phát huy và nhân rộng, vạch rõ những yếu kém, khuyết điểm của tổ chức đảng và của cán bộ, đảng viên để kịp thời khắc phục triệt để.
Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải thật sự lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản ánh, đóng góp, phê bình của cấp dưới và quần chúng. Tự phê bình và phê bình phải tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài với chương trình, kế hoạch cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, với các biện pháp đồng bộ về chính trị, tư tưởng, cán bộ, tổ chức, kiểm tra, giám sát.
Thứ ba, tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, tạo sự chuyển biến thực sự về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải nhằm nâng cao nhận thức chính trị, giác ngộ giai cấp, giác ngộ cách mạng của cán bộ, đảng viên về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, hết lòng phấn đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Giáo dục chính trị tư tưởng phải gắn kết chặt chẽ giữa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải hướng tới sự tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, nhân cách, cán bộ, đảng viên thông qua hành động thực tế; luôn cảnh giác trước những cám dỗ về danh lợi, vật chất, tránh rơi vào chủ nghĩa cá nhân, thống nhất giữa lời nói và việc làm, mẫu mực trong chấp hành chỉ thị, nghị quyết, Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước; luôn nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng