Khắc phục hạn chế trong kinh tế tập thể ngành Nông nghiệp

(NTO) Kinh tế tập thể ngành nông nghiệp bao gồm các hình thức tổ hợp tác (THT) và tổ chức hợp tác xã (HTX) trong nông nghiệp và nông thôn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thành quả biểu hiện rõ nhất của kinh tế tập thể là đã nâng cao tinh thần hợp tác trong cộng đồng dân cư, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của các thành viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đẩy nhanh tiến trình CNH,HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Toàn tỉnh hiện có 790 THT, với 7.628 thành viên. Ngoài ra còn có các mô hình, các tổ liên kết, liên minh các hộ nông dân sản xuất cũng được thành lập từ các chương trình, dự án do các đơn vị thành lập. Đơn cử như 5 mô hình sản xuất rau an toàn tại các xã An Hải, Phước Sơn (Ninh Phước), Hộ Hải (Ninh Hải) và phường Văn Hải (Phan Rang-Tháp Chàm) với hơn 80 hộ nông dân tham gia do Chi cục Bảo vệ Thực vật làm chủ dự án; 12 THT do thành lập các liên minh sản xuất từ Dự án Cạnh tranh nông nghiệp. Về HTX, tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 45 HTX, với 16.605 xã viên, trong đó có 19 HTX thành lập mới và 26 HTX chuyển đổi. Qua 6 năm (2006-2012) hoạt động, các hình thức THT và HTX đã phát triển đa dạng ngành nghề dịch vụ ở nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đặc biệt đã tạo niềm tin và sự gắn bó của các hộ xã viên đối với HTX, khẳng định được thế đứng mới của kinh tế tập thể trong thời kỳ đổi mới. Nhận xét về tác động từ kinh tế tập thể đối với nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta, đồng chí Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh (Sở NN& PTNT) cho biết: Dù còn những mặt hạn chế nhưng kinh tế tập thể ngành NN đã có những đóng góp quan trọng vào sự thay đổi sâu sắc bộ mặt nông thôn tỉnh nhà, làm tiền đề cho việc xây dựng nông thôn mới.

 
Thu hoạch cải trắng tại tổ hợp tác sản xuất rau an toàn An Hải (Ninh Phước).

Trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chính sách để hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể ngành NN. Tính đến nay đã có 25 HTX NN được giao tổng cộng 235.631 m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, 19 HTX được hỗ trợ giao đất không thu tiền sử dụng đất, với diện tích 213.528 m2; số còn lại đang tiếp tục làm thủ tục cấp hoặc đã được các địa phương xem xét cho thuê đất dự phòng để sản xuất lúa giống và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Ngoài công tác hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý HTX bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, một bộ phận cán bộ và xã viên HTX được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật canh tác do doanh nghiệp tài trợ thông qua việc hợp tác, liên kết sản xuất-tiêu thụ giữa HTX với doanh nghiệp. Nhờ đó đã tạo điều kiện cho các HTX nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, tạo ra sự gắn kết giữa HTX với xã viên và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tốt hơn.

Tuy nhiên bên cạnh mặt được, kinh tế tập thể ngành NN tỉnh ta vẫn còn nhiều mặt tồn tại cần giải quyết. Về THT, có thể thấy thực trạng đa số đều thành lập tự phát, cơ chế quản lý lỏng lẻo, rất khó khăn về giao dịch kinh tế, vay vốn ngân hàng; thành viên các THT chỉ hoạt động theo kinh nghiệm, hầu hết chưa được học qua các lớp đào tạo, tập huấn về quản lý hoặc kỹ thuật. Đối với các HTX, điều dễ nhận ra đầu tiên là lợi nhuận của các HTX còn thấp, một số HTX yếu kém về chuyên môn, chưa linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh. Các HTX chỉ xoay quanh với các hoạt động dịch vụ cho cây lúa là chính, chưa mạnh dạn mở rộng các ngành nghề, hàng hóa, dịch vụ đời sống ở các vùng nông thôn; thêm nữa, đội ngũ cán bộ HTX chưa đủ mạnh để đáp ứng tình hình mới. Điểm yếu chung của THT và HTX là giá trị sản xuất còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu sản xuất ngành NN. Một hạn chế không thể không nhắc tới là công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể ngành NT còn bất cập, dẫn đến hiệu quả thấp trong việc triển khai Luật HTX và các chính sách khuyến khích hỗ trợ HTX.

Thực tiễn từ nông thôn tỉnh ta đã khẳng định vai trò của kinh tế tập thể đối với tập trung nguồn lực sản xuất hàng hoá, nâng sức cạnh tranh của nông sản làm ra. Vì vậy, để khắc phục hạn chế trên, Sở NN& PTNT đã kiến nghị với Tỉnh uỷ và UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng HTX, THT; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX; tiếp tục hỗ trợ thành lập HTX, THT mới và thực hiện các giải pháp về vốn. Theo đó các sở, ngành, địa phương cần lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể thông qua nguồn xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xóa đói, giảm nghèo, khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho sản xuất, đào tạo nghề. Đặc biệt là huy động nguồn vốn các doanh nghiệp nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện và tiền đề hỗ trợ cho kinh tế tập thể phát triển.