Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh: Khảo sát đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2005-2012 tại Ninh Thuận

(NTO) Ngày 15-4, Đoàn công tác Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia (CT-HCQG) Hồ Chí Minh do Giáo sư Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn đến tỉnh ta nghiên cứu, khảo sát, thu thập các thông tin kết quả đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị- hành chính (LLCT-HC) của Học viện giai đoạn 2005-2012 tại tỉnh Ninh Thuận.

Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tiếp và làm việc với Đoàn.

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2005 đến 2012, Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh đã đào tạo cho tỉnh 541 lượt cán bộ có trình độ cao cấp LLCT-HC; 9 cử nhân chính trị; 21 thạc sỹ và tiến sỹ; bồi dưỡng ngắn hạn 1.836 lượt cán bộ công tác tại các ban Đảng, sở, ngành… Qua khảo sát, đội ngũ cán bộ tỉnh được cử đi đào tạo, bồi dưỡng các lớp tại Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh, phần đông là cán bộ trẻ được quy hoạch dự nguồn, có triển vọng phát triển; sau đào tạo được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy địa phương quan tâm, tạo điều kiện bố trí công tác phù hợp với năng lực sở trường, nhiều đồng chí đã phát huy tốt những kiến thức đã học vào thực tiễn công tác góp phần đáng kể vào việc rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, khả năng chỉ đạo điều hành thực thi nhiệm vụ được giao.

 
Giáo sư Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng,
Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc.
 
 
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tiếp và làm việc với Đoàn.

Tại buổi làm việc, tỉnh ta cũng kiến nghị một số vấn đề đối với Đoàn công tác như đề nghị Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh quan tâm giao Học viện CT-HCQG khu vực II (TP. Hồ Chí Minh) đào tạo, bồi dưỡng LLCT-HC cho tỉnh để tiết kiệm kinh phí ngân sách đi lại; tăng cường mở các lớp đào tạo LLCT-HC tại chức tại tỉnh. Đề nghị quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng độ tuổi đào tạo cao cấp LLCT-HC, trung cấp LLCT-HC tại chức và tập trung; Đề nghị Học viện rút ngắn thời gian đào tạo cử nhân chính trị và cao cấp LLCT-HC so với hiện nay; Quy định tuổi trung cấp LLCT-HC tập trung và hệ tại chức để địa phương áp dụng thực hiện. Tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo…cho cán bộ, công chức làm công tác tham mưu trong các cơ quan, hội đoàn thể. 

Thay mặt Đoàn công tác, Giáo sư Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn cảm ơn sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh cho Đoàn công tác khảo sát, đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện tại Ninh Thuận. Qua đây nhận thức đúng hơn quá trình đào tạo, bồi dưỡng cũng như chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện. Đồng thời, ghi nhận những kết quả đạt được cũng như các kiến nghị của tỉnh, xem đây là cơ sở thực tiễn để Đoàn bổ sung vào nội dung tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết 52,  ngày 30-7-2005, của Bộ Chính trị về Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT-HC cho đội ngũ cán bộ tỉnh. Đồng chí mong muốn Học viện CT-HCQG tiếp tục đổi mới, nâng cao chính sách đào tạo, bồi dưỡng mới, phù hợp với vị trí, vai trò mà Đảng và Nhà nước giao cho Học viện phù hợp với những đòi hỏi thực tế. Tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng LLCT-HC cho đội ngũ cán bộ tỉnh Ninh Thuận...

* Mời xem video clip: Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh: Khảo sát đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2005-2012 tại Ninh Thuận