Phá rừng để làm rẫy
Trong chuyến công tác cùng các đồng chí Hạt Kiểm lâm huyện Ninh Sơn vào rừng Ma Nới vừa qua, chúng tôi ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến nhiều cánh rừng ở đây bị người dân "cạo trọc" để làm rẫy: Cây rừng bị chặt trụi, nhiều thân gỗ lớn nằm la liệt. Theo ước tính, hiện có gần 10 ha rừng bị người dân địa phương triệt hạ không thương tiếc. Với thực trạng phá rừng như thế này, nếu trồng lại rừng mới ít nhất cũng hai mươi năm nữa mới phục hồi lại được. Mặc dù thời gian qua ngành chức năng cũng đã quyết liệt vào cuộc bằng nhiều hình thức để ngăn chặn nhưng người dân địa phương đã quen với phong tục du canh, phá rừng làm rẫy. Họ lén lút hạ cây, châm lửa khi không có lực lượng chức năng đi tuần tra.
Tờ mờ sáng một ngày cuối tháng 3, chúng tôi có mặt tại tiểu khu 108, tận mắt chứng kiến cảnh nhiều người lén lút phát dọn rừng, sẵn sàng cắt hạ những cây gỗ lớn khi không thấy lực lượng bảo vệ rừng. Là đơn vị được giao giữ 23 nghìn ha rừng ở Ma Nới, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn cũng gặp vô cùng khó khăn khi một lúc phải làm 3 nhiệm vụ: Bảo vệ rừng, trồng rừng, phòng cháy chữa cháy và đấu tranh với lâm tặc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Cứ đến mùa khô, người dân phát dọn và đốt để lấy đất làm rẫy nên dể gây cháy rừng. Anh Nguyễn Hoàng Long, Phó Giám đốc Công ty cho biết, trong những năm gần đây, Công ty cùng cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn kết hợp với chính quyền địa phương mở nhiều buổi họp dân để tuyên truyền về Lâm luật, phân tích tác hại của việc phá rừng, nghiêm cấm việc phá rừng làm rẫy, vận động người dân trồng rừng và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc lấn chiếm đất rừng trái phép ở địa phương vẫn đang là vấn nạn.
Nhiều cánh rừng ở Ma Nới đã và đang bị người dân triệt hạ để làm rẫy như thế này
Đâu là nguyên nhân?
Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này? Tại những cánh rừng đang bị chặt trụi ở các tiểu khu 108, 109,... chúng tôi đã tìm cách tiếp cận với người dân. Họ cho rằng, do thiếu đất sản xuất, nhất là đất trồng lúa nước nên phải phá rừng để trồng cây bắp, cây đậu xanh và cây điều... Một trong những người đang dọn đất ở tiểu khu 109, ông Tà Yên Khúc, 68 tuổi, ở thôn Gia Rót phân trần: “Nhà tôi có gần một sào đất lúa 2 vụ. Lúa chỉ đủ ăn được một tháng. Biết phá rừng là sai với Nhà nước, bị cán bộ truy đuổi nhưng phải phá mở thêm diện tích để canh tác”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, ngay tại xã Ma Nới, nhiều người có điều kiện kinh tế ở địa phương đã “đầu tư” tiền bạc để đồng bào Raglai lấn chiếm đất rừng trái phép. Sau đó, họ mua lại đất của người dân. Và diện tích đất rẫy vừa lấn chiếm người đồng bào chỉ canh tác 1 hoặc 2 vụ, khi đất xấu đi, họ lại mang gùi đi tìm rẫy mới, “điệp khúc” phá rừng làm rẫy lại tiếp diễn.
Giải bài toán khó
Trao đổi với chúng tôi, anh Cà Mau Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Ma Nới cho biết, địa phương có 25.500 ha đất rừng. Trong đó, diện tích đất rừng già có 24 nghìn ha, còn lại là rừng khộp. Trong năm 2012, UBND xã đã lập biên bản xử lý 4 trường hợp do phá rừng làm rẫy, với diện tích trên 4 ha. Thôn Tà Nôi và thôn Do là hai địa phương đang nóng về việc phá rừng làm rẫy. Được hỏi về giải pháp về lâu về dài nhằm hạn chế việc người dân lấn chiếm đất rừng trái phép ở địa phương, anh Viên cho biết thêm: Năm 2011, địa phương đã thực hiện Chương trình 134 cấp 20,5 ha đất tại tiểu khu 113a cho 32 hộ dân không có đất sản xuất ở 4 thôn: Do, Ú, Hà Dài và thôn Gia Rót. “Toàn xã có 879 hộ trên 1.027 nhân khẩu, 99% là đồng bào Raglai sinh sống, địa phương chỉ có 1.500 ha đất sản xuất. Do địa hình đồi núi dốc nên lãnh đạo địa phương vẫn chưa tìm được quỹ đất thích hợp từ 5 đến 10 ha để lập dự án đề nghị cấp trên phê duyệt. Còn đất tốt thì đang tập trung ở rừng già”, anh Viên cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Đức Hóa, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn cho biết: “Thời gian qua, ngoài việc tổ chức vận động tuyên truyền bảo vệ rừng cho nhân dân địa phương, Hạt Kiểm lâm huyện kết hợp với lực lượng bảo vệ rừng của công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ninh Sơn dùng biện pháp mạnh để ngăn chặn việc lấn đất rừng trái phép của người dân. Thế nhưng, đây đó vẫn xảy ra việc phá rừng làm rẫy. Nguyên nhân dẫn đến việc lấn chiếm đất rừng trái phép để làm rẫy là do người dân thiếu đất sản xuất. Sắp tới, chúng tôi quy hoạch một số tiểu khu để cấp đất cho dân. Thế nhưng phần lớn các tiểu khu ở Ma Nới có độ dốc lớn, đá nhiều nên rất khó chọn đất để quy hoạch”.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến đời sống đồng bào thiểu số, giúp hàng trăm gia đình ở địa phương xã Ma Nới có cuộc sống ổn định từ các Chương trình dự án, như: 134, 135, 167, 118… Thiết nghĩ, để giải được bài toán khó này, đã đến lúc cả hệ thống chính trị địa phương cần quyết liệt vào cuộc hơn nữa nhằm ngăn chặn việc lấn chiếm đất rừng trái phép. Ngoài những biện pháp cũ đã thực hiện thì cần rà soát để quy hoạch và thực hiện quy hoạch đất sản xuất nhằm xây dựng những dự án cấp đất sản xuất cho dân canh tác ổn định: Trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với thổ dưỡng tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngành chức năng cần có những cơ chế, chính sách mới giúp người đồng bào được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để tập trung đầu tư chăn nuôi; hướng nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên để đảm bảo cuộc sống an sinh xã hội của người dân.
Thanh Quang