Kết luận trên đã được đưa ra bởi một nhóm các chuyên gia khoa học tại Thâm Quyến. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Kiến Khôi thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Trung Quốc ngày 9/4 cho biết, nhà chức trách nên được cảnh bảo bởi kết quả nghiên cứu của ông cùng các cộng sự, và đẩy mạnh việc giám sát cũng nhưng các nỗ lực kiểm soát nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra dịch cúm gia cầm H7N9 trên diện rộng.
Sự biến đổi nhanh chóng của virus H7N9 vô cùng nguy hiểm.
Qua xét nghiệm mã gen virus H7N9 từ các mẫu có được của nhà chức trách Trung Quốc Đại lục, đội chuyên gia nghiên cứu của Phó Giáo sư Hà Kiến Khôi đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng chất gây nên sự đông máu trong virus H7N9, một protêin đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình lây nhiễm của loại virus nguy hiểm này. Loại prôtêin này gắn kết virus H7N9 với một tế bào động vật, như các tế bào hô hấp ở con người, và gây ra một lỗ thủng ở màng tế bào để cho phép virus xâm nhập.
Theo Phó Giáo sư Hà Kiến Khôi, Các nhà nghiên cứu ở Thâm Quyến đã phát hiện sự biến đổi nhanh chóng của chất gây đông máu ở một trong 4 dòng virus cúm do chính quyền Trung ương cung cấp. 9 trong số 560 axít amin của prôtêin này đã biến đổi. Ở một loại virus điển hình, chỉ có một hoặc hai axít amin có thể biến đổi trong một thời gian ngắn như vậy.
Chuyên gia này nhấn mạnh: “Điều đó xảy ra chỉ trong một hoặc hai tuần. Tốc độ này có thể chưa theo kịp tốc độ biến đổi của virus HIV, nhưng đó là một tốc độ khá bất bình thường đối với một virus cúm. Sự biến đổi nhanh chóng khiến cho diễn biến tiến hóa của loại virus này rất khó tiên đoán được. Chúng tôi không rõ liệu nó có tiến hóa thành loại virus nào đó không gây nguy hiểm hoặc gây nguy hiểm hay không. Các mẫu của chúng tôi quá hạn chế. Tuy nhiên, chính quyền nên được cảnh báo rõ ràng và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.”
Nguồn gốc của loại virus H7N9 đã gây bối rối cho các nhà khoa học bởi sjw mới lạ của nó, nhưng nghiên cứu của Phó Giáo sư Hà Kiến Khôi và các cộng sự cho thấy một số manh mối khác với những ý kiến của nhà chức trách Đại lục. Các chuyên gia Thâm Quyến đã so sánh chủng virus mới đối với tất cả các chủng virus H7N9 đã được xác định ở châu Âu và các quốc gia châu Á khác và phát hiện ra rằng chúng rất khác nhau.
Trên thực tế, loại virus mới khá giống với một số loại virus đã biết ở Trung Quốc, như H9N2, H11N9 và H7N3 được tìm thấy ở hai tỉnh Chiết Giang cũng như Giang Tô. Phó Giáo sư Hà Kiến Khôi nói rằng các chuyên gia nghiên cứu không thể loại trừ khả năng rằng loại virus mới được đưa vào Trung Quốc do những con chim hoang dã, nhưng nhiều khả năng là nó có nguồn gốc ở Trung Quốc.
Nguồn Báo Tin tức - TTXVN