(NTO) Thực hiện tinh thần Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 24-5-2011 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, trong năm qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Nhờ làm tốt công tác dân vận, nhiều ngư dân xã Phước Diêm đóng mới tàu
công suất lớn tham gia vào các Tổ đoàn kết khai thác hải sản, vươn ra đánh bắt xa bờ.
Ảnh: Anh Tùng
Qua thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống xã hội và ngày càng được nhân rộng góp phần tạo được sự đồng thuận trong xã hội, đồng thời huy động thêm các nguồn lực… để góp phần xây dựng và đổi mới bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ một số hạn chế qua quá trình triển khai thực hiện. Đó là, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào. Mặt khác, có địa phương còn lúng túng trong việc xây dựng cũng như nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong việc xây dựng nông thôn mới… nên chưa tạo được sức lan tỏa và thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia.
Để khắc phục những hạn chế đã nêu, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, yêu cầu đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới song song với phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nói trên vừa phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị, vừa phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi nguồn lực của nhân dân tham gia đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung. Cụ thể là các cấp chính quyền, các ngành cần xây dựng cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân. Khẩn trương lập quy hoạch, kế hoạch cụ thể thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên từng địa bàn để làm cơ sở thực hiện. Huy động tối đa các nguồn lực: vốn ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu, doanh nghiệp… và huy động nhân dân cùng đóng góp, cùng tham gia xây dựng nông thôn mới…
Chung quy lại, để "Dân vận khéo” thực sự trở thành phong trào thi đua có hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng, tạo động lực đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới không gì khác là nội dung thi đua phải thiết thực, cụ thể, sát hợp với từng địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó vấn đề cũng không kém phần quan trọng là thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện để kịp thời biểu dương, nhân rộng những mô hình, điển hình hay đồng thời khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế nếu có xảy ra.
Tuấn Dũng