Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2014.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Theo Tờ trình của Văn phòng Quốc hội về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2014, tính đến ngày 01/4/2013, trong tổng số 77 cơ quan cần xin ý kiến, Văn phòng Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 64 cơ quan với 205 nội dung kiến nghị. Các kiến nghị tập trung vào một số nhóm vấn đề chính như: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế, công tác quy hoạch sử dụng đất, thủy điện; tái cấu trúc nền kinh tế; quản lý, sử dụng tài sản công, chính sách đầu tư công; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tính hiệu quả sử dụng vốn của một số ngành, công trình trọng điểm, chương trình mục tiêu, hạ tầng giao thông; công tác đấu thầu...
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước; tổ chức và hoạt động của hệ thống ngân hàng, quản lý thị trường vàng, việc xử lý nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; quản lý giá và kết quả thực hiện bình ổn giá.
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về khám, chữa bệnh cho nhân dân; quản lý, sử dụng phí, viện phí, bảo hiểm xã hội; quản lý các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân; phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới; chính sách giảm nghèo; dân số; giáo dục đại học ngoài công lập và dân tộc thiểu số, giáo dục mầm non, công tác thanh niên…
Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý đất nông nghiệp, sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quản lý tài nguyên, khoáng sản; tiết kiệm năng lượng; chính sách về khoa học – công nghệ.
Việc thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; chính sách pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài; việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo...
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, qua nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các cơ quan và rút kinh nghiệm từ thực tế hoạt động giám sát chuyên đề, Văn phòng Quốc hội đề nghị việc lựa chọn nội dung đưa vào chương trình giám sát cần dựa trên các tiêu chí cơ bản: là những vấn đề bức xúc nổi lên, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; xét ở góc độ vĩ mô cần được đưa ra diễn đàn Quốc hội hoặc UBTVQH xem xét; không trùng với các chuyên đề trong chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH thời gian gần đây; bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan được UBTVQH dự kiến giao chủ trì giám sát.
Theo đó, Văn phòng Quốc hội đề nghị, năm 2014 thực hiện giám sát 8 chuyên đề: Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống sân bay, cảng biển tại các địa phương. Việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư, xây dựng các công trình thuỷ điện. Hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của 02 dự án Tân Rai và Nhân cơ do Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư. Việc thực hiện chính sách pháp luật về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng không thực hiện đúng kế hoạch được phê duyệt. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giai đoạn 2006 – 2013.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đều nhất trí cho rằng, các chuyên đề do Văn phòng Quốc hội đề xuất giám sát đều hợp lý, là những vấn đề bức xúc cần thực hiện giám sát. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng còn nhiều vấn đề cần thiết phải thực hiện giám sát trong năm 2014.
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, hiện có hai vấn đề nổi lên cần giám sát là vấn đề đối phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long và vấn đề giữ 3,8 triệu ha lúa.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề xuất giám sát tối cao với vấn đề giảm nghèo. “Những năm qua chúng ta đã đạt được nhiều chính sách trong thực hiện giảm nghèo. Đây là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, hàng năm Quốc hội đều quyết định chỉ tiêu giảm nghèo. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa có chương trình nào của Quốc hội giám sát chính sách giảm nghèo. Vì vậy, Quốc hội cần thực hiện giám sát chính sách giảm nghèo” – Chủ nhiệm Trương Thị Mai nói.
Từ quan điểm giám sát tối cao thì nên chọn những vấn đề lớn của quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề xuất chuyên đề giám sát chính sách pháp luật về phát triển năng lượng để góp phần phát triển kinh tế bền vững.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng đã có nhiều ý kiến đề nghị về nội dung tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công, chính sách đầu tư công. Vì vậy, cần thực hiện giám sát kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại…
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị trong chương trình giám sát từ nay đến cuối năm, cần thực hiện giám sát hiệu quả của việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam