Hiện tại, HTX có 1.600 hộ xã viên, chiếm 90% tổng số hộ của 3 thôn: Thành Đức, Hữu Đức và Tân Đức. Trong những năm qua, bằng hình thức ưu đãi dịch vụ làm đất, phân bón, cung cấp nước sản xuất giá rẻ, trả lãi suất hằng tháng đều đặn cho xã viên góp vốn nên HTX huy động được số tiền trong xã viên lên tới 1 tỷ đồng, nâng tổng vốn kinh doanh lên trên 2 tỷ đồng.
Mùa thu hoạch lúa của xã viên HTX Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp Hữu Đức
Ảnh: Sơn Ngọc
Từ nguồn vốn huy động được, HTX đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 3 trạm bơm điện phục vụ nước tưới cho 60 ha ruộng ở gò cao, 5 máy bơm nước chạy dầu chống hạn, 2 máy cày đại và 3 máy cày trung… Dù đã nỗ lực đầu tư mua sắm thiết bị, nhưng theo anh Thuận Văn Tài, Chủ nhiệm HTX, để đáp ứng khâu làm đất, thu hoạch cho 600 ha lúa và 20 ha đất màu mỗi vụ, ngoài các máy móc hiện có HTX cần thêm 5 máy gặt đập liên hợp, 10 máy cày tay, 5 xe tải vận chuyển vật tư nông nghiệp và khoảng 3.000 tấn lúa thu hoạch mỗi vụ.
Yêu cầu là như vậy, nhưng do nguồn vốn có hạn, trong khi đó HTX khó tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng do tài sản thế chấp của hộ xã viên thấp nên không thể đầu tư mua thêm thiết bị phục vụ sản xuất. Trước những khó khăn trên, Ban Quản trị HTX đã năng động trong liên doanh, liên kết với các đơn vị khác trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Cụ thể, HTX đã liên kết với đội máy cày tư nhân ở địa phương, với tổng số 30 chiếc, sau thu hoạch, đồng loạt xuống đồng làm đất chỉ trong vòng một tuần là xong. Hoạt động liên kết này đảm bảo cho việc xuống giống đúng lịch thời vụ, HTX cũng không phải chi số tiền lớn cho mua sắm, bảo dưỡng máy móc. Riêng khâu thu hoạch, năm 2006, HTX đi tiên phong trong mua hai máy gặt đập liên hợp hiệu Vinapro, giá hiện thời 70 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên do loại máy này chạy bằng bánh hơi nên không hoạt động được ở những chân ruộng sình, chỉ sử dụng được 2 vụ nên phải bán. Mặc dù không còn máy, nhưng HTX vẫn mạnh dạn nhận khâu dịch vụ thu hoạch bằng cách hợp đồng máy gặt tư nhân. Năm 2012, HTX mở rộng liên kết với các HTX ngoài huyện, ngoài tỉnh, hợp đồng với HTX Sơn Phát, thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) cày đất và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Long Hương, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) thu hoạch lúa. Mối liên kết này đôi bên đều có lợi, bản thân HTX được nhận 5% thu nhập từ các dịch vụ, còn đối tác thông qua HTX được thanh toán tiền nhanh gọn. Vì HTX đảm nhiệm 100% khâu cung cấp nước sản xuất, nên trước khi thu hoạch một tuần nước được đóng, chân ruộng khô ráo rất thuận tiện cho máy gặt họat động.
Gần đây, HTX đã tạo ra bước “đột phá” khi liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố sản xuất và tiêu thụ lúa giống; Công ty CP Phân bón Bình Điền cung cấp các loại phân bón giá gốc cho hộ xã viên. Nhất là liên kết với UBND xã Phước Hữu thực hiện các mô hình liên quan đến xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, như: sản xuất lúa chất lượng cao, nhận cung cấp các dịch vụ thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa. Anh Thuận Văn Tài, nhìn nhận: Liên doanh, liên kết trong hoạt động dịch vụ nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho xã viên. Đây là xu thế hoạt động chung của các HTX trong bối cảnh hiện nay.
Kinh nghiệm rút ra từ hoạt động của HTX Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp Hữu Đức là khi điều kiện năng lực tài chính hạn chế, để đứng vững và phát triển, các HTX cần chú trọng liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Muốn vậy, cần có sự đổi mới trong quản lý của mỗi HTX. Các thành viên HTX phải năng động tìm kiếm đối tác, chớp lấy cơ hội trong sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, hoạt động liên doanh, liên kết của các HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay còn rời rạc, riêng lẻ. Để đẩy mạnh liên doanh, liên kết, thời gian tới Liên minh HTX tỉnh cần đưa ra chương trình hoạt động thiết thực, tổ chức cho các HTX thành viên đoàn kết, thống nhất một khối, tin tưởng chủ động liên kết với nhau; củng cố mối quan hệ với chính quyền tìm đối tác là các công ty có uy tín liên kết với HTX sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.
Anh Tùng