Mặt khác, theo kế hoạch, hệ thống kênh Bắc sẽ đóng nước để cải tạo, nạo vét lòng kênh từ 15-4 đến 30-4. Ông Lê Văn Ngọc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải, cho biết: Vì đa số các trạm xử lý nước sinh hoạt trên địa bàn dùng nước kênh Bắc nên việc đóng nước có thể sẽ gây ra thiếu nước sinh hoạt tại một số khu vực. Chúng tôi khuyến cáo người dân nên dự trữ nước sinh hoạt, đồng thời khơi thông, nạo vét các giếng khoan, giếng đào tại địa phương. Nếu thời gian tới vẫn không có mưa, nguy cơ bị xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước sinh hoạt tại các xã Thanh Hải, Nhơn Hải, Vĩnh Hải là rất đáng lo ngại.
Phước Hữu đất bị khô do thiếu nước. Ảnh: Ngũ Anh Tuấn
Vụ đông-xuân này, toàn huyện Ninh Hải có gần 2.300 ha lúa, đa số đều đã làm đòng, cơ bản đủ nước. Tuy nhiên, 150 ha lúa đông-xuân ăn nước hồ Thành Sơn đang chuẩn bị làm đòng, do xuống giống trễ vụ nên có khả năng thiếu nước tưới các đợt cuối vụ. Ông Hoàng Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải, cho biết: Dự báo hơn 1 tuần nữa, nước trong hồ sẽ xuống đến mực nước chết, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi sẽ hỗ trợ 2 máy bơm để dẫn nước ra các kênh. Chúng tôi cũng đã tiến hành rà soát toàn bộ giếng, ao ở gần khu vực này để bơm nước tưới cứu lúa khi hồ Thành Sơn cạn nước; đồng thời, bà con đã được hướng dẫn chặn các suối, mương tiêu nước để tiết kiệm lượng nước hiện có.
Tại khu vực tưới hồ Ông Kinh thuộc xã Nhơn Hải, Thanh Hải, ngành Nông nghiệp huyện và chính quyền địa phương đã khuyến cáo nông dân ngưng xuống giống các cây ngắn ngày như hành, tỏi,… mà tập trung nước cho chăn nuôi và bơm tưới các cây lâu năm, nhất là nho.
Trước những diễn biến gay gắt của thời tiết, việc đảm bảo nguồn nước uống và thức ăn cho gần 186.000 con gia súc, gia cầm trên địa bàn là một bài toán không đơn giản. Cùng với những khuyến cáo, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, bà con cũng chủ động tìm kiếm, dự trữ thức ăn, nước uống và phòng bệnh mùa khô cho vật nuôi.
► Do nước hồ Bàu Zôn cạn gần một tháng nay, nên nhiều diện tích lúa vùng hạ lưu thuộc đồng Cà Tiêu (Phước Hữu-Ninh Phước) đang đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng.
Tại xứ đồng thuộc thôn Tân Đức và Thành Đức (xã Phước Hữu) nhiều diện tích lúa của nông dân đang chuyển dần từ màu xanh sang màu đỏ úa. Mặc dù cây lúa đã 70 ngày tuổi nhưng do không có nước nên bị “đẹt” lại, cao không đầy 1 gang tay… Đến thời điểm này đã có trên 20 ha lúa bị chết khô.
Dẫn chúng tôi ra đám ruộng lúa 2,5 sào đang khô nứt nẻ, lá lúa đang khô dần, anh Lưu Ngọc Khánh, thôn Tân Đức than thở: Bao nhiêu công sức đổ ra đây, giờ không có cách nào cứu cả, không có nước thì lúa không thể trổ bông mà có trổ được cũng chẳng có năng suất. Bởi sau thời gian dài khô hạn, cây lúa đã kiệt sức rồi.
Những diện tích còn lại, hiện người dân đang nỗ lực tìm mọi nguồn nước có thể để mong cầm cự cho cây lúa không bị chết héo và tiếp tục chờ mưa. Để cứu lúa, nhiều hộ túc trực trên đồng, đào những hố sâu giữa mương nước rồi đặt máy bơm hút nước để đưa về ruộng. Để cứu 1,2 ha lúa, Anh Hán Văn Đắp, ở thôn Thành Đức đã đầu tư hơn 17 triệu đồng để mua máy bơm, ống nước, thuê máy đào hồ, cử người thay phiên bơm nước cứu lúa.
Được biết, xã _- có 1.500 ha lúa vụ đông-xuân, trong đó phần lớn diện tích đã và đang cho thu hoạch nên nhu cầu về nước tưới có giảm. Tuy nhiên tại cánh đồng Cà Tiêu, với khoảng 120 ha-vùng chủ yếu “ăn nước” từ hồ Bàu Zôn do không chủ động nước tưới từ đầu vụ phải xuống giống muộn nên đến nay cây lúa vẫn đang trong thời kỳ trổ bông. Nếu đủ nước, phải theo 3 lứa nước nữa mới tới ngày thu hoạch, nhưng không có nước, đồng nghĩa với nhiều diện tích đứng trước nguy cơ thất thu.
Theo đồng chí Hán Nghiệm, Chủ tịch UBND xã Phước Hữu: Nhằm cứu vãn tình hình, nhất là chủ động cứu những diện tích lúa nằm trong kế hoạch sản xuất, UBND xã đã xin bổ sung nguồn nước từ hệ thống cấp nước sinh hoạt để tưới cho 20 ha vùng đồng Cà Tiêu. Mặt khác, phối hợp với ngành chức năng và bà con địa phương trực canh, khơi dòng để đưa nước từ hệ thống kênh Nam về tưới lần lượt, trước mắt để giữ ẩm chân ruộng. Ưu tiên những diện tích xuống giống trong kế hoạch khoảng 90 ha, phần còn lại khoảng 30 ha nếu đủ nước mới điều tiết tiếp, tránh việc tưới dàn trải, không mang lại hiệu quả.
Bảo Bình - Anh Tuấn