Ngày 29/3, Thủ Tướng Chính phủ đã kí ban hành Nghị định 25/2013/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải bao gồm nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.
Theo đó, tổ chức, cá nhân xả nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt ra môi trường là người nộp phí bảo vệ môi trường.
Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân xả nước thải vào hệ thống thoát nước và đã nộp phí thoát nước thì đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đã tiếp nhận và thải ra môi trường.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đối với cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản sử dụng nguồn nước từ đơn vị cung cấp nước sạch cho hoạt động sản xuất, chế biến thì phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp (không phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt).
Cũng theo Nghị định, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán của 1m3 nước sạch, nhưng tối đa không quá 10% giá bán nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức phí áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình sử dụng nước, tương ứng với số phí trung bình một người sử dụng nước từ hệ thống nước sạch phải nộp tại địa phương.
Đối với nước thải công nghiệp, Nghị định quy định thu phí theo 2 nhóm: Nước thải không chứa kim loại nặng và nước thải chứa kim loại nặng. Nước thải không chứa kim loại nặng bao gồm mức phí cố định theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường (tối đa không quá 2,5 triệu đồng/năm), cộng với phí biến đổi 1.000 - 3.000 đồng/kg chất ô nhiễm (COD) và 1.200 - 3.200 đồng/kg chất rắn lo lửng (TSS).
Nước thải chứa kim loại nặng được tính phí theo quy định của hai Bộ kể trên nhân với hệ số tính phí theo khối lượng nước thải chứa kim loại nặng và cộng với phí biến đổi chất ô nhiễm COD và TSS.
Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là khoản thu thuộc Ngân sách Nhà nước. Một phần số phí thu được để lại cho cơ quan, đơn vị trực tiếp thu phí để trang trải chi phí cho việc thu phí; chi phí đánh giá, lấy mẫu phân tích nước thải phục vụ cho việc thẩm định phí, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với nước thải công nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phần phí thu được còn lại được nộp vào ngân sách địa phương để sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường; bổ sung vốn hoạt động cho Quỹ Bảo vệ môi trường của địa phương để sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ nước thải; tổ chức các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường nước.
Nghị định cũng quy định không thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trong 6 trường hợp: Nước xả ra từ các nhà máy thuỷ điện, nước tuần hoàn trong các cơ sở sản xuất, chế biến mà không thải ra môi trường; Nước biển dùng vào sản xuất muối xả ra; Nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội; Nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở các xã thuộc vùng nông thôn và những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch; Nước làm mát thiết bị, máy móc không trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, có đường thoát riêng; Nước mưa tự nhiên chảy tràn.
Nghị địnhcó hiệu lực thi hành từ 1/7/2013.
Nguồn VOV Online