Tỉnh ta có tổng số 65 Đảng bộ xã, phường, thị trấn, trong đó có 47 Đảng bộ xã nông thôn và miền núi. Công tác kết nạp ĐV trên địa bàn dân cư đã được Tỉnh uỷ định hướng từ lâu và đã đạt được một số kết quả nhất định. Chẳng hạn trong giai đoạn tính từ năm 2002 đến cuối năm 2011, mặc dù công tác phát triển ĐV ở khu dân cư còn nhiều khó khăn nhưng khối xã, phường, thị trấn cũng đã kết nạp được 1.749 ĐV, góp phần xoá được 16 thôn “trắng” ĐV. Năm vừa qua, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp được 905 ĐV mới, đạt 120,6% chỉ tiêu kế hoạch, cũng đã góp phần xoá được 3/4 thôn “trắng” ĐV, riêng 7 Đảng bộ huyện, thành phố kết nạp được 628 ĐV, đặc biệt trong đó có 85 ĐV mới là nông dân. Tuy tỷ lệ kết nạp ĐV trên địa bàn dân cư chưa nhiều, nhưng qua việc xoá thôn “trắng” và giảm dần tình trạng sinh hoạt ghép ở các chi bộ thôn, khu phố đã cho thấy có sự chuyển biến bước đầu. Điều này đã giúp nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều TCCSĐ ở xã, phường, thị trấn, thể hiện được vị trí hạt nhân chính trị tại cơ sở. Qua đánh giá chất lượng 457/461 TCCSĐ trong toàn Đảng bộ tỉnh, có 358 TCCSĐ (chiếm tỷ lệ 78,3%) trong sạch vững mạnh, trong đó đã có 30/65 TCCSĐ xã, phường, thị trấn (chiếm tỷ lệ 46,2%) trong sạch vững mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh sự chuyển biến trên, vẫn còn nhiều bất cập trong công tác kết nạp ĐV ở khu dân cư. Đơn cử Đảng bộ huyện Thuận Nam, năm qua đã kết nạp mới 83 ĐV (vượt trên 64% chỉ tiêu tỉnh giao), dẫn đầu cả tỉnh về thành tích, thế nhưng nhìn trong cơ cấu kết nạp chỉ có 19 ĐV là phát triển trên địa bàn dân cư. Nguyên nhân, theo lãnh đạo Huyện uỷ Thuận Nam, là do hầu hết thanh niên địa phương có xu hướng thoát ly nông nghiệp hoặc đến nơi khác làm ăn, lập nghiệp; số ít ở lại thì có trình độ học vấn thấp hoặc do đặc thù nghề nghiệp (như lao động biển ít có thời gian ở bờ) nên không đáp ứng được yêu cầu kết nạp vào Đảng. Thực trạng này không chỉ ở Thuận Nam. Đồng chí Hà Anh Quang, Bí thư Huyện uỷ Thuận Bắc nhìn nhận: Cũng giống như Thuận Nam, phát triển ĐV trên địa bàn dân cư đang là bài toán nan giải của toàn Đảng bộ huyện Thuận Bắc. Năm 2012, Thuận Bắc kết nạp 53 ĐV, vượt 3,92% kế hoạch, nhưng số phát triển ở địa bàn dân cư không đáng kể. Hệ quả của việc hạn chế kết nạp ĐV trên địa bàn dân cư đã dẫn đến “lão hoá” các chi bộ thôn. Điển hình Đảng bộ huyện Ninh Sơn, hiện có 48 chi bộ thôn, khu phố trên tổng số 61 thôn, khu phố, trong đó có 10 chi bộ thôn sinh hoạt ghép, đáng nói là trong các chi bộ có 70% trở lên là ĐV hưu trí, cao tuổi.
Để khắc phục những bất cập trên, các Huyện, Thành uỷ đều có giải pháp chỉ đạo quyết liệt các TCCSĐ trong công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp ĐV trên địa bàn dân cư, tiêu biểu là Huyện uỷ Ninh Phước và Ninh Hải. Ở Đảng bộ huyện Ninh Phước, được coi là một Đảng bộ luôn quan tâm phát triển ĐV mới ở vùng nông thôn, trong số 105 ĐV kết nạp năm qua, vượt kế hoạch 19,32%, tuy chỉ có 20 ĐV được kết nạp là thanh niên nông thôn, song còn có 75 ĐV kết nạp mới thuộc khối xã, thị trấn, phần lớn là CB thôn, khu phố, trong lực lượng Dân quân và Hợp tác xã (HTX) nên đã tăng được số lượng ĐV ở các chi bộ khu dân cư. Đạt được kết quả trên là nhờ các cấp uỷ Đảng ngày càng quan tâm hơn đến đối tượng quần chúng là đoàn viên-thanh niên, dân tộc thiểu số ở địa bàn thôn, khu phố, mà điển hình có Đảng bộ thị trấn Phước Dân và các xã Phước Hữu, Phước Vinh, An Hải. Đặc biệt Đảng bộ xã Phước Thuận đã tạo nguồn ngay khi các thanh niên còn ngồi ghế nhà trường và các thanh niên dự kiến sẽ lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự.
Từ kinh nghiệm của Ninh Phước, cho thấy nếu có sự chỉ đạo sâu sát của các Huyện, Thành uỷ, sự nỗ lực đầy linh hoạt, sáng tạo của các cấp uỷ TCCSĐ trong việc tạo nguồn bổ sung quần chúng ưu tú, công tác phát triển ĐV trên địa bàn dân cư sẽ tiến triển. Theo đó, các chi bộ thôn, khu phố sẽ có điều kiện đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung sinh hoạt sát với chức năng, nhiệm vụ ở địa bàn mình, tạo tiền đề cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB và nâng chất lượng đội ngũ ĐV xã, phường, thị trấn đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong giai đoạn mới.
Bạch Thương