Là huyện miền núi, với hơn 95% dân số là đồng bào Raglai sinh sống, địa phương có diện tích đất canh tác rộng, nguồn nước tưới luôn được chủ động. Cấp ủy và chính quyền địa phương luôn xác định phát triển nông nghiệp vẫn là nguồn kinh tế chủ yếu của huyện (chiếm khoảng 70% tỷ trọng). Bên cạnh việc phát triển trồng trọt, huyện xác định tập trung phát triển chăn nuôi, đặc biệt là đàn gia súc chính là thế mạnh của địa phương.
Trang trại chăn nuôi heo theo hướng chuyên thịt tại xã Phước Tân, huyện Bác Ái
Ảnh: Sơn Ngọc
Nếu như hơn 5 năm trước, số lượng đàn gia súc, gia cầm của địa phương chỉ vài ngàn con thì đến nay tổng đàn gia súc toàn huyện đã vượt con số 30.000 con. Trong đó riêng đàn trâu, bò đã có hơn 16.000 con, đàn heo chiếm hơn 12.200 con. Để tìm hướng đi phù hợp cho ngành chăn nuôi của địa phương, giúp bà con ngày càng tiếp cận hơn với hướng chăn nuôi mới, theo hướng bán công nghiệp, được sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các nguồn vốn hỗ trợ từ nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khác, huyện đã tập trung vào cải tạo đàn gia súc. Từ việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chuyển từ tập quán chăn thả sang chăn nuôi tại nhà, đồng thời tận dụng triệt để các loại nông sản phụ phẩm như rơm, rạ…và kết hợp trồng cỏ để tạo thêm nguồn thức ăn, đến việc hướng dẫn bà con cách tiêm phòng dịch bệnh, vắc-xin nâng cao chất lượng của đàn gia súc. Từ những giải pháp thiết thực trên, đàn gia súc luôn tăng số lượng qua từng năm và đảm bảo chất lượng. Ngoài việc phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tăng bầy đàn và chất lượng thì hiện nay việc phát triển đàn heo nạc theo hướng nuôi gia công kết hợp cũng đang phát triển nhanh. Toàn huyện hiện đã có 8 trang trại nuôi heo gia công với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với lượng đàn vài ngàn con, đa số công lao động nuôi tại các trang trại này là người địa phương và đây cũng là giải pháp góp phần giải quyết thêm nhu cầu lao động cho bà con trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, việc phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tổng hợp, kết hợp nuôi và trồng, phát triển đàn gia cầm cũng đang từng bước được bà con áp dụng để mở ra thêm hướng mới trong việc phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Từ những định hướng trên, những năm qua ngành chăn nuôi ở huyện Bác Ái đã và đang có bước phát triển đáng kể, góp phần thúc đẩy kinh tế huyện nhà ngày một đi lên. Riêng trong năm 2012, ngành chăn nuôi tăng cơ cấu giá trị sản xuất từ 27% lên đến 35% trong ngành nông nghiệp của huyện.
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra trong mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện; việc vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng và đầu tư chăn nuôi, đặc biệt là hướng phát triển tăng đàn và chất lượng đàn, nhân rộng các mô hình mới là nhiệm vụ hàng đầu của địa phương. Bên cạnh đó, triển khai các đề án tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho bà con tối đa trong chăn nuôi như: tập huấn kỹ năng chăn nuôi cho bà con, chuyển đổi các loại giống lai, xây dựng mở rộng thêm nhiều hồ nước, đồng cỏ… để ngành chăn nuôi ngày một phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân miền núi.
Nguyễn Sơn