Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú

Chiều 21/3, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. Dự kiến, dự án Luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2013.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ nêu rõ: Luật Cư trú được Quốc hội khoá XI, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2007. Quyền tự do cư trú của công dân ghi nhận trong Hiến pháp đã được cụ thể hoá trong Luật Cư trú với những quy định rõ ràng, cụ thể, thông thoáng về thủ tục, điều kiện đăng ký cư trú, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật, giải quyết những bức xúc của nhiều người về vấn đề cư trú; đồng thời, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về cư trú trong tình hình mới... Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện, một số quy định của Luật Cư trú cũng đã bộc lộ khó khăn, vướng mắc, sơ hở, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền về tự do cư trú và tăng cường công tác quản lý nhà nước về cư trú.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về hành vi bị nghiêm cấm; về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; về thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp; về đăng ký tạm trú; về lưu trú và thông báo lưu trú.

Thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; song nhấn mạnh, các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật không được làm ảnh hưởng đến quyền cư trú của công dân đã được khẳng định trong Hiến pháp và phải bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú lần này cần bảo đảm tính thống nhất với các dự án luật khác, nhất là dự án Luật Hộ tịch, cần đơn giản hóa các giấy tờ, thủ tục đối với người dân.

Về việc bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật dự kiến bổ sung hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm quy định nghiêm cấm hành vi giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình nhưng người này thực tế không cư trú tại chỗ ở đó hoặc để trục lợi.

Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung nghiêm cấm hai hành vi như dự thảo Luật, song đề nghị rà soát lại quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi, đầy đủ bao quát của các quy định này trong thực tiễn (do còn có nhiều hành vi giả mạo khác như: giả mạo kết hôn, giả mạo họ hàng thân thích, giả mạo giấy tờ tuyển dụng…) để đăng ký thường trú.

Về bổ sung điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm, dự thảo Luật đã bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì còn phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Cho ý kiến về nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng việc áp dụng quy định này trên phạm vi toàn thành phố trực thuộc trung ương là quá rộng; đề nghị chỉ áp dụng các điều kiện hạn chế đăng ký thường trú trong nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương. Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định tăng thời gian tạm trú liên tục tại thành phố từ 1 năm lên 2 năm cũng như quy định điều kiện diện tích bình quân đối với trường hợp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ.

Liên quan đến quy định trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức… thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng, Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định này tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém, dễ bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị bỏ quy định này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện ghi nhận, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đã được chỉnh lý, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, hợp lý. Ông Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng không cần thiết phải yêu cầu xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng đối với trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức…

Về bổ sung một số trường hợp được đăng ký thường trú, theo quy định tại điểm 2 khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp được đăng ký thường trú đối với người độc thân về sống với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột khi được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu.

Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung các trường hợp này vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc, nghiên cứu bổ sung thêm trường hợp người chưa thành niên còn cha, mẹ và cha mẹ vẫn có điều kiện nuôi dưỡng nhưng có nguyện vọng về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ. Bởi vì, trên thực tế có trường hợp con chưa thành niên có nguyện vọng và nhu cầu về ở với ông, bà hoặc người họ hàng thân thích khi bố mẹ ly hôn và bố mẹ đều đã kết hôn với người khác.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng tỏ ra băn khoăn về tính khả thi và nêu thực tế, rất nhiều gia đình ở nông thôn đã gửi con cái về ở với ông bà, người thân thích trên thành phố để được hưởng điều kiện sống và điều kiện học tập tốt hơn. Bây giờ, Luật Cư trú lại “siết” điều kiện, chỉ “khoanh” đối tượng trẻ em trong gia đình có bố mẹ đã ly hôn hoặc không có khả năng nuôi dưỡng thì liệu có khả thi?

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ thay mặt Ban soạn thảo giải thích, Luật chỉ hạn chế những trường hợp bố mẹ đang còn khỏe mạnh mà lại gửi con cái về ở chung với ông bà ở thành phố để được học ở các trường trong nội thành.

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho rằng, với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, hạ tầng trường học ở nội thành chưa thể đáp ứng nổi nhu cầu của người dân. Nếu không “siết” điều kiện nhập hộ khẩu sẽ tiếp tục gây áp lực dân số cho nội thành.

Không đồng tình với cách giải thích trên, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương phân tích, nếu chỉ mở cho đối tượng con, cháu mà bố mẹ ly hôn mới được về ở với ông bà thì rất dễ dẫn tới “lách luật”. Bởi đơn giản khi gia đình đã có ý định gửi con cháu về thành phố để hưởng điều kiện học hành tốt nhất thì bố mẹ sẽ có nhiều cách khác nhau, không loại trừ tình trạng ly hôn giả. Khi đó, cách quản lý dân cư còn phức tạp hơn.

Ở một khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chia sẻ thái độ thận trọng này: “Cần đề phòng khả năng lợi dụng kẽ hở của pháp luật, đơn cử như trường hợp người gần đến tuổi thành niên lợi dụng để chuyển hộ khẩu đi, để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự".

Ngoài các nội dung trên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về thời hạn làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú; về thời hạn của Sổ tạm trú...

Theo Chương trình xây dựng pháp luật, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, sau đó sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2013./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam