Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, chiều 20/3.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Chiều 20/3, tại Trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (TP Cần Thơ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long.
Năm 2012, kinh tế của Vĩnh Long duy trì được mức tăng trưởng khá và tăng đều ở tất cả các khu vực; đã thực hiện đạt và vượt 17/23 chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 7,82% so năm 2011. GDP bình quân đầu người ước đạt 31,82 triệu đồng/người/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông lâm thuỷ sản, tăng dần ở khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Tỷ trọng khu vực nông lâm thủy sản chiếm 47,54%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 17,31% và khu vực dịch vụ chiếm 35,15%. Giá trị sản xuất toàn ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,1%; sản xuất công nghiệp năm 2012 tăng 15,13% so năm 2011.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Diệp cho biết toàn tỉnh đã có 89/89 xã hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới; 6/7 huyện hoàn thành công tác phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới;. Có 67/89 xã có đề án được phê duyệt, chiếm tỉ lệ 75,2%, các xã còn lại đang hoàn chỉnh để phê duyệt.
Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo, văn hoá, thể thao được đẩy mạnh; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội luôn được tỉnh Vĩnh Long chú trọng và thực hiện tốt. Trong năm 2012 đã tạo việc làm cho trên 26.500 lao động; đào tạo nghề cho gần 31.570 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 42%;…
Trong năm 2013, Vĩnh Long phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8 - 8,5%; GDP bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm; giảm 2% số hộ nghèo… tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp - nông thôn, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu cũng những kết quả mà Vĩnh Long đạt được trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới,…
Tuy nhiên, tỉnh Vĩnh Long cần quan tâm khắc phục, tập trung giải quyết những hạn chế trong lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải, y tế, thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao; tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh của hàng hóa, nhất là hàng nông sản, còn yếu…
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương còn rất lớn, Thủ tướng cho rằng Vĩnh Long cần tìm ra cách làm năng động, sáng tạo, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển KTXH của địa phương. Trước mắt cần hết sức quan tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhất là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, ổn định thị trường...
Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các vùng rau màu, cây ăn trái có chất lượng cao, mô hình cánh đồng mẫu lớn và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là khâu bảo quản trước, trong và sau thu hoạch để hạn chế thất thoát sản lượng và giảm chất lượng.
Bên cạnh đó, quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, khắc phục những yếu kém, tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và hiệu quả đầu tư. Tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương.
Thủ tướng cũng lưu ý, Vĩnh Long cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng nông thôn mới bởi đây chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị, đề xuất của Vĩnh Long về việc xem xét hỗ trợ vốn xây dựng một số công trình giao thông, y tế trọng điểm của tỉnh như: Dự án cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long; dự án đường 2/9 nối dài (nay là đường Võ Văn Kiệt), TP Vĩnh Long; dự án đường tỉnh 902 và đường tỉnh 907; dự án đê bao sông Mang Thít…
Nguồn www.chinhphu.vn