Vấn đề hôm nay:

Nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng!

(NTO) Qua hơn 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, có thể nói ý thức, nhận thức và hành vi tiêu dùng của nhân dân cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng trong sử dụng hàng Việt đã nâng cao đáng kể.

Theo một khảo sát mới đây cho thấy đã có trên 71% người tiêu dùng Việt Nam yêu thích sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao. Đối với tỉnh ta, hàng Việt Nam từ chỗ còn mờ nhạt trên thị trường dưới sự lấn lướt của hàng ngoại thì những năm gần đây đã ngày càng khẳng định được vị trí vững chắc, tỷ lệ hàng Việt tăng cao từ những cơ sở kinh doanh (nhất là siêu thị chiếm đến trên 90%) đến người tiêu dùng. Đây là kết quả của quá trình chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp, của Ban chỉ đạo cuộc vận động từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời là sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp sản xuất trong nước…

 
 
 
Người tiêu dùng mua hàng thương hiệu Việt tại siêu thị Co.opMart Thanh Hà. Ảnh Sơn Ngọc

Theo đánh giá chung, kết quả đạt được là khả quan và thành công nhất vẫn là nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về dùng hàng Việt Nam, tự hào về hàng Việt Nam đã dần được khẳng định, nhất là các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng, hàng gia dụng… Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, qua thực hiện cuộc vận động đã nổi lên một số hạn chế như tuyên truyền chưa sâu, chưa rộng trong nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… nên tiềm năng mua sắm hàng nội của người tiêu dùng chưa được “khơi thông” đúng mức. Bên cạnh đó, một số sản phẩm trong nước chất lượng chưa cao, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn lưu hành phổ biến làm cho lòng tin của người tiêu dùng có lúc bị “dao động”. Điều cũng đáng nói là các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn chưa thường xuyên, hàng hóa chưa phong phú, một số mặt hàng giá còn cao… Nguyên nhân có một phần do thiếu kinh phí hỗ trợ nên doanh nghiệp chưa thật nhiệt tình để tham gia.

Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng có sức lan tỏa, tạo sự chuyển biến thực sự về thói quen mua sắm của người dân, vấn đề đặt ra là các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng “tần suất” các chuyến hàng Việt về nông thôn hoặc mở các cơ sở, đại lý bán hàng thường xuyên, hàng chất lượng cao đồng thời chống triệt để hàng giả, hàng kém chất lượng để tạo niềm tin cho người dân. Hàng Việt chỉ thuyết phục được người tiêu dùng khi chất lượng đảm bảo, giá cả cạnh tranh.

Sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân không chỉ thể hiện lòng yêu nước mà còn là nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng.