|
Đồng chí Nguyễn Bá Ninh Giám đốc Sở GD&ĐT |
PV: Trong quy hoạch phát triển đến năm 2020, ngành GD&ĐT tỉnh nhà đã chọn “Đổi mới quản lý giáo dục” là khâu đột phá và “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” là giải pháp then chốt. Đề nghị đồng chí cho biết rõ hơn nội dung này?
Đồng chí Nguyễn Bá Ninh: Ngày 12-12-2012 Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 2530 phê duyệt Quy hoạch phát triển GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, trong đó phát triển GD&ĐT của tỉnh được đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển giáo dục-Quy hoạch phát triển nhân lực của quốc gia và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020. Vì vậy để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn tới, ngành GD&ĐT tỉnh chọn “Đổi mới quản lý giáo dục” là khâu đột phá. Đối với vấn đề này, ngành sẽ thực hiện đồng bộ công tác phân cấp quản lý; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa ngành Giáo dục với các sở, ban, ngành và địa phương. Tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục địa phương; tích cực, chủ động tham mưu với lãnh đạo địa phương ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, đảm bảo hành lang pháp lý cho cơ quan sở, phòng GD&ĐT huyện, thành phố, đáp ứng nhiệm vụ được giao, bảo đảm dân chủ hóa trong giáo dục. Thực hiện quản lý theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục ở các cấp; tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phối hợp của 3 môi trường giáo dục.
Trường THPT Nguyễn Du ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng dạy và học.
Ảnh: Sơn Ngọc
Giải pháp then chốt trong định hướng phát triển giáo dục đến năm 2020 của ngành là phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Để thực hiện mục tiêu này, ngành sẽ tăng cường bồi dưỡng và hình thành đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng và thực hiện có chất lượng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015. Đảm bảo từng bước có đủ giáo viên thực hiện giáo dục toàn diện theo chương trình giáo dục mầm non và phổ thông, dạy học 2 buổi/ngày, giáo viên dạy ngoại ngữ, giáo viên tư vấn học đường và hướng nghiệp, giáo viên giáo dục đặc biệt và giáo viên giáo dục thường xuyên. Chuẩn hóa trong tuyển chọn, sử dụng và đánh giá nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện các chính sách ưu đãi về vật chất và tinh thần, tạo động lực cho các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nhất là với giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học; có chính sách đặc biệt nhằm thu hút các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm và uy tín trong và ngoài nước tham gia phát triển giáo dục.
PV: Lộ trình phát triển ngành GD&ĐT tỉnh nhà trong giai đoạn tới như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Bá Ninh: Căn cứ điều kiện thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội, về phát triển giáo dục tại địa phương, tại các vùng, miền trên địa bàn toàn tỉnh, quá trình thực hiện kế hoạch chiến lược được ước phân làm hai giai đoạn; những mục tiêu của hai giai đoạn được triển khai thực hiện linh hoạt, mục tiêu của giai đoạn 2 sẽ được triển khai đan xen với các mục tiêu của giai đoạn 1 khi hội đủ điều kiện. Cụ thể như sau:
Giai đoạn 1 (2011 - 2015): Trọng tâm của giai đoạn này là tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đổi mới nội dung, phương pháp, tổ chức thực hiện tốt chương trình giáo dục, xây dựng đội ngũ nhà giáo, đổi mới quản lý giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo cơ sở vững chắc cho việc đạt tới mục tiêu Chiến lược trong giai đoạn hai.
Tổ chức thực hiện đạt và vượt tiến độ đề ra của các yêu cầu cụ thể ở từng cấp học, ngành học. Triển khai thực hiện và đạt kết quả tốt các đề án: Phổ cập mầm non 5 tuổi, xoá mù chữ và chống tái mù chữ, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập THCS, phổ cập THPT thí điểm tại Tp.Phan Rang – Tháp Chàm. Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2 và 3. Tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số; phát triển hệ thống trường phổ thông bán trú; dân tộc nội trú. Tăng cường năng lực giáo dục, đào tạo của các cơ sở giáo dục. Kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020. Kế hoạch triển khai Đề án xóa mù chữ giai đoạn 2011-2020. Nâng cao năng lực quản lý trong công tác dự báo, lập kế hoạch, quy hoạch mạng lưới giáo dục. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục một cách toàn diện và hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực hợp pháp tham gia đóng góp phát triển giáo dục.Đẩy mạnh, phủ kín và linh hoạt xây dựng các mô hình xã hội học tập trên toàn tỉnh, chú trọng ưu tiên các vùng khó khăn, chậm phát triển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học theo chuẩn quốc gia. Duy trì ổn định tỷ lệ chi cho giáo dục trong ngân sách nhà nước trên 21% một cách đồng bộ ở các địa phương huyện, thành phố và toàn tỉnh; đáp ứng thỏa đáng và phục vụ kịp thời theo nhu cầu phát triển giáo dục tại địa phương. Tiếp tục triển khai triệt để việc thực hiện Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến năm học 2015-2016.
Giai đoạn 2 (2016-2020): Trọng tâm của giai đoạn này là tiếp tục đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục để đạt được các mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể; Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường lớp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.
PV: Xin cám ơn đồng chí!
CÁC MỤC TIÊU CHỦ YẾU CỦA CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẾN NĂM 2020
* Giáo dục mầm non:
Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015, đến năm 2020 có ít nhất 30% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 80% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ khi ở trường, tăng tỷ lệ trẻ ăn bán trú, học 2 buổi/ngày.
* Giáo dục phổ thông:
Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, đặc biệt là chất lượng giáo dục văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật, ngoại ngữ, tin học.
- Giáo dục tiểu học:
+ Tỷ lệ huy động trong độ tuổi đạt 99,9%
+ Tỷ lệ học sinh tiểu học vào lớp 6 đạt 100%
+ Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 50%
+ Tỷ lệ chuẩn hóa giáo viên 100%
+ Tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đúng độ tuổi đạt 90%
- Giáo dục THCS:
+ Tỷ lệ huy động trong độ tuổi đạt 85%
+ Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 đạt 85%
+ Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 50%
+ Tỷ lệ chuẩn hóa giáo viên 100%, trên chuẩn 60%
- Giáo dục THPT:
+ Tỷ lệ huy động trong độ tuổi đạt 85%
+ Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 50%
+ Tỷ lệ chuẩn hóa giáo viên 100%, trên chuẩn 8,3%
+ Tỷ lệ hoàn thành chương trình THPT đạt 98%
* Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học:
- Đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp THCS.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học đạt khoảng 70%.
- Tỷ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo từ 350-400 trên một vạn dân.
* Giáo dục thường xuyên:
- Phát triển giáo dục thường xuyên tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình.
- Chất lượng giáo dục thường xuyên được nâng cao giúp người học có kiến thức, kỹ năng thiết thực để tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần.
- Kết quả xóa mù chữ được củng cố bền vững. Tỷ lệ người biết chữ từ 15 đến 35 là 99%.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ninh Phước: Quy hoạch phát triển GD&ĐT tỉnh nhà đến năm 2020 là định hướng quan trọng để mỗi cấp học, mỗi địa phương xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển theo từng giai đoạn. Đây cũng là cơ sở để các cấp chính quyền có sự định hướng phát triển GD&ĐT cho địa phương mình; xác định vai trò trách nhiệm của các ngành, các cấp trong sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực. Tôi tin tưởng sau khi công bố quy hoạch, ngành GD&ĐT của tỉnh nhà nói chung và GD&ĐT huyện Ninh Phước nói riêng sẽ nhận được sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa từ các nguồn lực, đặc biệt tập trung cho các công trình trọng tâm, trọng điểm của ngành để sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra và nâng cao chất lượng giáo dục.
Đồng chí Phạm Văn Phú
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn:Quy hoạch phát triển GD&ĐT đến năm 2020 của tỉnh đã đưa ra được những giải pháp thiết thực nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục của tỉnh nhà theo chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng cho việc phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Khi triển khai thực hiện Quy hoạch, để giải quyết khó khăn về vấn đề xây dựng đội ngũ, tôi mong muốn UBND tỉnh và ngành cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá vấn đề đạt chuẩn của giáo viên, đặc biệt là giáo viên trường chuyên; xây dựng và thực hiện chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút giáo viên giỏi; xây dựng cơ chế sàng lọc, thuyên chuyển đối với những giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Bùi Văn ViênHội trưởng Hội Phụ huynh học sinh Trường THPT Ninh Hải, huyện Ninh Hải:
Việc công bố Quy hoạch ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đến năm 2020 là sự kiện quan trọng. Là Hội trưởng Hội Phụ huynh học sinh của nhà trường, tôi luôn động viên, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để cùng nhà trường tạo một môi trường học tập tốt nhất cho học sinh. Hiện nay, chất lượng giáo dục của tỉnh ta ngày càng phát triển toàn diện, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư đúng mức; các em học sinh được học tập trong môi trường tốt hơn, từ đó kết quả học tập của các em cũng ngày càng cao. Công bố Quy hoạch lần này đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH hội nhập quốc tế và phát triển tri thức trong tình hình mới của tỉnh nhà. Tôi mong muốn ngành GD&ĐT tỉnh đẩy mạnh công tác xã hội hóa để toàn dân cùng chung tay chăm lo cho sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển hơn.
Đặng Hữu - Nhóm PV