Đi vào hoạt động từ tháng 8/2012, thư viện xanh được xây dựng từ ý tưởng tạo cho các em được đọc sách mọi lúc, mọi nơi. Thầy giáo Hồ Hữu Pha, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với mong muốn các em có không gian yên tĩnh được đọc sách, nhà trường huy động công sức, đóng góp của tập thể cán bộ, giáo viên và phụ huynh trong trường. Trong các buổi họp, thầy cô giáo phổ biến tới các bậc phụ huynh hiểu được những bổ ích của việc đọc sách và quyền lợi của con em mình. Vì thế, mọi người đều nhiệt tình tham gia xây dựng thư viện xanh.”
Các em tranh thủ giờ ra chơi đọc sách.
Tận dụng những nguyên liệu sẵn có như gỗ, tre, cây xanh, thư viện xanh được dựng lên trên khu đất trống bao quanh sân trường. Những chiếc bàn gỗ được làm từ những bàn học hư, những hộp sách xinh xắn đóng bằng gỗ, những chiếc dù lợp mái lá, những cây xanh và ghế đá do phụ huynh tặng. Xung quanh cây, hoa, cỏ tươi tốt nhờ được tưới nước thường xuyên tạo nên khung cảnh thân thiện và trong lành.
Thư viện xanh hiện có gần 2000 đầu sách với nhiều loại phong phú. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng nhà trường thêm 1.357 cuốn sách. Hầu hết học sinh dân tộc Raglai đều ở bán trú nên các em tranh thủ đọc sách vào giờ nghỉ trưa, giờ ra chơi. Các em luôn có ý thức giữ gìn sách, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Katơr Thị Na, học sinh lớp 3A khoe với chúng tôi: “Em rất thích đọc sách. Thư viện có nhiều truyện và sách hay, ngồi ở đây rất mát và đẹp”.
Mô hình thư viện xanh của Trường Tiểu học Phước Kháng hoạt động hiệu quả, tạo được thói quen đọc sách cho thầy cô giáo và học sinh. Siêng đọc sách, đọc nhiều sách sẽ mang lại nhiều bổ ích cho việc học tập, nâng cao sự hiểu biết và rèn luyện kỹ năng sống của các em.
Trang Nhung