Cần khắc phục tình trạng khen thưởng hình thức, tràn lan

Sáng 21/3, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung Luật này là nhằm khắc phục tình trạng khen thưởng tràn lan, trùng lắp.

Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi đua, khen thưởng: Trong tổng số 103 điều của Luật Thi đua, Khen thưởng hiện hành, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng đã sửa đổi, bổ sung 53 điều; trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng. Ngoài ra, có sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến nguyên tắc khen thưởng, thẩm quyền ban hành, hình thức thi đua, khen thưởng và thủ tục hồ sơ xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung Luật này là nhằm khắc phục tình trạng khen thưởng tràn lan, trùng lắp.

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quy định hiện hành và tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

Thường trực Ủy ban cũng thống nhất cơ bản với các nội dung sửa đổi về: Nguyên tắc khen thưởng, nâng cao tiêu chuẩn một số danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng, bổ sung một số thẩm quyền, thời điểm và thủ tục xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng…, để bảo đảm sự thống nhất chung trong quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.

Song, liên quan đến việc bổ sung danh hiệu thi đua “Lao động giỏi” và “Tập thể lao động giỏi” đối với người lao động ngoài khu vực nhà nước, một số ý kiến cho rằng, việc bổ sung các danh hiệu thi đua này là không cần thiết, vì Luật hiện hành đã có quy định danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với đối tượng này. Mặt khác, việc bổ sung này làm tăng thêm danh hiệu thi đua, chỉ được thể hiện ở cấp cơ sở, còn các danh hiệu cao hơn vẫn giữ như hiện hành nên chưa phải là giải pháp để tăng cường khen thưởng cho khu vực ngoài nhà nước. Ngoài ra, dự thảo Luật chưa làm rõ được sự khác biệt về tiêu chuẩn giữa danh hiệu“Lao động tiên tiến” và “Lao động giỏi”, chủ yếu khác nhau ở tên gọi.

Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị cân nhắc việc bổ sung danh hiệu này. Nếu không phân biệt được danh hiệu “Lao động tiên tiến” và “Lao động giỏi” trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước thì nên giữ như quy định hiện hành - danh hiệu “Lao động tiên tiến” được dùng chung; đồng thời, quan tâm đến việc hướng dẫn tổ chức thực hiện, quy định về thẩm quyền tặng danh hiệu, quy trình bình xét để đảm bảo tính khả thi của quy định này đối với khu vực ngoài nhà nước.

Bàn về quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi thẳng thắn góp ý: Không nên phân biệt hai danh hiệu “Lao động giỏi”, “Lao động tiên tiến” với “Tập thể lao động giỏi”, “Tập thể lao động tiên tiến”. Bởi như vậy sẽ tạo ra sự phân biệt cho khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Theo đó, ông Đào Trọng Thi đề nghị, nên thống nhất tên gọi và thống nhất tiêu chuẩn đối với hai khu vực này.

Ông Đào Trọng Thi cũng cho rằng: “Không nên đặt ra thêm danh hiệu Nhà khoa học nhân dân và Nhà khoa học ưu tú". Theo lý giải của ông Đào Trọng Thi, đã là nhà khoa học thì vinh danh thành tựu sáng tạo của họ bằng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, cống hiến cho xã hội gắn liền với nhân dân thì mới dùng từ “Nhà khoa học nhân dân”. Cũng nên cần có một quy trình để vinh danh, chứ không phải xét thi đua khen thưởng. “Tôi chưa thấy nước nào trên thế giới có danh hiệu “Nhà khoa học nhân dân”- ông Đào Trọng Thi nói.

Ở một khía cạnh khác, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa nêu rõ: Tính chất thi đua và khen thưởng tại Dự thảo Luật này là chưa chặt chẽ. Theo đó, trong toàn bộ các nội dung trong hình thức khen thưởng và vinh danh, tiêu chí để xác định còn chung chung, chưa chặt chẽ, dễ vận dụng và thay nhau nhận khen thưởng, vì không có tiêu chí đánh giá. Nhiều nội dung hiểu theo cách nào cũng được. Chẳng hạn: Có quá trình cống hiến lâu dài (bao nhiêu là dài), đồng nghiệp mến mộ (thế nào là mến mộ?). Theo ông Nguyễn Kim Khoa, các tiêu chí xác định tiêu chuẩn nên định lượng hóa, xác định cho chặt chẽ, bảo đảm…, nhằm khắc phục tình trạng khen thưởng hình thức, tràn lan.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng, cần hết sức tránh tính hình thức, tràn lan khi trao các danh hiệu, đảm bảo các danh hiệu được trao cho những đối tượng thực sự xứng đáng; đảm bảo ý nghĩa thực sự của công tác thi đua, khen thưởng.../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam