Thầy Quảng Đại Thính, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi, cho biết: Sở Giáo dục và Đào tạo vừa kiểm tra, đánh giá để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Kết quả, cả 5 tiêu chí trường đều đạt, đặc biệt tiêu chí về chất lượng giáo dục, đó là kết quả nỗ lực của tập thể nhà trường trong nhiều năm liền.
Giờ thực hành môn Vật lý của lớp 9.1, Trường THCS Phan Đình Phùng,
xã An Hải, Ninh Phước.
Là một xã bãi ngang ven biển, điều kiện kinh tế-xã hội tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Học sinh của trường hầu hết đều là con em gia đình nông thôn, tinh thần học tập chưa cao, học lực yếu là những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ học sinh bỏ học của trường luôn ở mức cao. Xác định rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học, Trường THCS Phan Đình Phùng triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến vai trò của giáo viên, Hội Khuyến học và công tác phối hợp với gia đình và chính quyền địa phương.
Việc đến tận nhà vận động học sinh trở lại trường không còn là chuyện xa lạ với những thầy cô giáo ở đây. Để một học sinh trở lại trường, giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường, Hội Khuyến học, cán bộ xã phải tích cực đến tận nhà học sinh vận động không chỉ một mà có thể rất nhiều lần. Nhiều em theo cha mẹ lên rẫy thì thầy cô cũng phải tìm tới tận nơi để thuyết phục. Cô giáo Kiều Thị Phi Vân, Chủ tịch Hội Khuyến học nhà trường cho biết: Nhìn chung, phụ huynh đều không muốn con em mình bỏ học, nhưng họ lại rất ít quan tâm đến chuyện học hành của con, nhiều gia đình phải đợi đến khi giáo viên tìm đến nhà mới biết con mình đã nghỉ học và có học lực ra sao.
Cùng với công tác vận động tại nhà, ngay từ đầu năm học, nhà trường phối hợp với Dự án giảm nghèo huyện Ninh Phước tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy sáng kiến Hội Cha mẹ học sinh” để các cấp, các ngành lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo... từ đó, có biện pháp đáp ứng, tạo điều kiện tốt nhất cho các em đến trường một cách tự giác.
Nhà trường cũng thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bền vững; tạo môi trường học tập thân thiện, lành mạnh thu hút học sinh tới lớp. Mỗi giáo viên luôn ý thức tự nâng cao trình độ, tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; đảm bảo các giờ thực hành, ngoại khóa sinh động giúp rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu, phát huy tính tích cực cho học sinh. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá và bàn giao chất lượng hàng năm. Trong Liên đội cũng đẩy mạnh các phong trào thi đua, xây dựng các mô hình CLB học tập để học sinh gần gũi, giúp đỡ, động viên nhau cùng tiến bộ.
Với quyết tâm cao và những giải pháp hiệu quả, học kỳ I, năm học 2012-2013, Trường THCS Phan Đình Phùng đã vận động được 8 học sinh bỏ học trở lại trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học xuống còn 0,78%. Chất lượng giáo dục cũng chuyển biến rõ nét, với 42,4% học sinh khá giỏi, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm học trước.
Bích Thủy