Nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới, cải tiến phương pháp đào tạo nghề để nâng cao sự cạnh tranh và hội nhập, ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, Trường CĐN Ninh Thuận luôn chú trọng công tác xây dựng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học. Hiện nhà trường có 121 cán bộ, giảng viên, công nhân viên, trong đó có 83 người có trình độ đại học, trên đại học và1 tiến sĩ.
Giờ thực hành của học viên Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Ảnh: Thanh Long
Song song đó, cơ sở vật chất của nhà trường không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Nhà trường đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư, vừa đào tạo, vừa bổ sung hoàn thiện trang thiết bị. Đến nay, nhà trường đã có cơ sở vật chất tương đối hiện đại, gồm Trung tâm đào tạo chính, với hơn 40 phòng học thực hành, thực nghiệm, với tổng diện tích 1.200m2; một trung tâm đào tạo và sát hành lái xe, với 25 đầu xe các loại. Ngoài ra, từ nguồn vốn ODA, trường đã khởi công xây dựng khu nhà xưởng, thực hành, với diện tích hơn 44.000m2, phục vụ dạy nghề cho 15 nhóm ngành nghề theo nhiều cấp độ khác nhau, với quy mô đào tạo 2.500 học viên mỗi năm.
Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong nhà trường được duy trì và đẩy mạnh, chất lượng đào tạo được nâng lên. Đi đôi với việc tham khảo phương pháp tiếp cận và sử dụng công nghệ của chuyên gia bạn, các doanh nghiệp sản xuất theo công nghệ tiên tiến, Trường CĐN Ninh Thuận còn khai thác kinh nghiệm của những tay nghề giỏi. Từ năm 2008 đến nay, nhà trường đều có giáo viên, học sinh tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi, Hội thi tay nghề giỏi cấp tỉnh, toàn quốc và đoạt giải cao. Tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm 70-80%. Đến nay Trường CĐN Ninh Thuận đã có hàng ngàn HS-SV được đào tạo hệ Cao đẳng và Trung cấp ở 8 ngành nghề. Đặc biệt, đợt 1 tuyển sinh của năm học 2012-2013, nhà trường đã tuyển sinh được 850 HS-SV chính quy (tăng 37,5% so với cùng kỳ). Ngoài liên hệ các các trường đại học, cao đẳng nghề trong khu vực, năm nay Trường CĐN Ninh Thuận còn liên kết với Trường Kỹ thuật số 8 của Bộ Quốc phòng để đào tạo miễn phí nghề cho bộ đội xuất ngũ ở địa phương và khu vực các tỉnh, thành Nam Trung Bộ.
Tiến sĩ Bùi Đức Tú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để nâng cao hiệu quả dạy nghề theo phương châm “Học đi đôi với hành” và “gắn đào tạo với thực tiễn”, việc đổi mới phương pháp giảng dạy được Ban giám hiệu nhà trường coi trọng hàng đầu. Với phương pháp giảng dạy tích cực, lý thuyết gắn với thực hành, lấy SV là trọng tâm, chú trọng tăng cường thực hành kỹ năng nghề, do vậy, thời gian thực hành trên lớp luôn chiếm khoảng 65-85% thời gian đào tạo, giúp cho HS-SV có thêm nhiều cơ hội tiếp xúc trực tiếp với công việc hơn. Không chỉ tiếp thu kiến thức trên lớp và luyện nghề tại phòng thực hành của trường, HS-SV còn có nhiều cơ hội tiếp cận với thực tế công việc ở các doanh nghiệp trên địa bàn mà trường lựa chọn giới thiệu. Đây là một cách học tốt nhất từ thực tiễn và các trải nghiệm công việc để các em khi ra nghề tự tin hơn… Trường CĐN Ninh Thuận sẽ tiếp tục mở rộng hợp lý quy mô đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và xã hội, phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và khu vực.
Xuân Bính