Theo Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng LHQ, Mặc dù 70% bề mặt trái đất bị nước bao phủ, nhưng 97,5% lượng nước là nước mặn và trong số 2,5% lượng nước còn lại thì 68,5% bị đóng băng tại các núi và sông băng, chỉ có khoảng 1% tổng lượng nước trên hành tinh dành cho con người sử dụng. Hiện có hơn 1,1 tỷ người trên thế giới không có nước sạch sử dụng. Mỗi năm có 5 triệu người chết vì những bệnh liên quan đến nước.
Logo Ngày nước Thế giới 22/3/2013.
Đối với Việt Nam, tài nguyên nước ẩn chứa nhiều yếu tố không bền vững. Tổng lượng nước mặt bình quân năm ở Việt Nam có khoảng 830 tỷ m3. Gần 57% lượng dòng chảy này là ở lưu vực sông Cửu Long, hơn 16% ở lưu vực sông Hồng-Thái Bình và hơn 4% ở lưu vực sông Đồng Nai, nơi diễn ra hầu hết các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Tổng trữ lượng nước dưới đất ước tính khoảng 63 tỷ m3/năm.
Hơn 60% nguồn nước mặt của Việt Nam được sản sinh ở nước ngoài, chỉ có bình quân 309 tỷ m3 mỗi năm được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Lượng nước mặt bình quân đầu người ở nước ta hiện nay đạt khoảng 3.840 m3/người/năm. Nếu tính tổng lượng tài nguyên nước sông ngòi ở Việt Nam, kể cả nước từ bên ngoài chảy vào thì bình quân đạt 10.240 m3/người/năm. Với tốc độ phát triển dân số như hiện nay thì đến năm 2025 lượng nước mặt tính bình quân đầu người ở nước ta chỉ đạt khoảng 2.830 m3/người/năm. Tính cả lượng nước từ bên ngoài chảy vào thì bình quân đạt 7.660 m3/người/năm. Theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA), quốc gia có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000 m3/người/năm là quốc gia thiếu nước. Như vậy, nếu chỉ tính riêng lượng tài nguyên nước mặt sản sinh trên lãnh thổ thì ở thời điểm hiện nay Việt Nam đã thuộc số các quốc gia thiếu nước và sẽ gặp phải rất nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai gần.
Ninh Thuận là tỉnh có nền nhiệt độ cao. Hầu hết các vùng đồng bằng ven biển và các vùng núi thấp đều có nhiệt độ trung bình năm trên 26oC và tổng nhiệt quanh năm trên 9.400oC. Tổng lượng mưa năm thấp nhất trong cả nước và giảm dần từ Tây sang Đông. Khu vực thượng lưu sông Cái Phan Rang từ 1.800-2.200mm, Khu vực đồng bằng ven biển trung bình vào khoảng 700-1000mm. Tổng lượng bốc hơi hàng năm từ 1.650 – 1.850 mm.
Với các điều kiện tự nhiên về khí hậu như vậy, dẫn đến tài nguyên nước của Ninh Thuận được các chuyên gia ngành nước đánh giá vào loại khan hiếm so với cả nước, cụ thể là tổng lượng nước nội địa của tỉnh Ninh Thuận là 1,868 tỷ m3/năm, trung bình đầu người chưa đến 3.000 m3/người/năm, thấp hơn nhiều so với bình quân của cả nước. Lượng nước được bổ sung từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim: 580 triệu m3/năm và từ các sông, suối thuộc các tỉnh lân cận đổ vào là 450 triệu m3/năm. Điều này cho thấy số lượng nước của tỉnh rất hạn chế và lệ thuộc rất nhiều vào nguồn nước bổ sung từ các tỉnh khác. Còn về nước ngầm càng khan hiếm hơn, theo số liệu điều tra chưa đầy đủ, thì tổng trữ lượng có thể khai thác được từ các tầng chứa nước ở các khu vực đồng bằng toàn tỉnh chỉ khoảng 300.000 m3/ngày-đêm.
Có nhiều nguyên nhân gây suy giảm tài nguyên nước nhưng cơ bản:
- Sự gia tăng dân số sẽ kéo theo sự gia tăng về nhu cầu nước sạch cho ăn uống và lượng nước cần dùng cho sản xuất. Đồng thời, tác động của con người đến môi trường tự nhiên như chặt phá rừng bừa bãi, canh tác nông lâm nghiệp không hợp lý và thải chất thải bừa bãi vào các thuỷ vực... đã và sẽ gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng, nguy cơ thiếu nước sạch ngày càng trầm trọng.
- Kết cấu hạ tầng khai thác, sử dụng nước xuống cấp và tình trạng sử dụng nước lãng phí, thiếu hiệu quả: Ở nhiều hệ thống cấp nước đô thị, lượng nước thất thoát lên đến 40-50%; khả năng cấp nước theo thiết kế của các hệ thống thuỷ lợi đang suy giảm. Nhiều công trình trên sông khi thiết kế hệ thống không chú ý đầy đủ đến nhu cầu bảo đảm dòng chảy cho hạ lưu đã dẫn đến tình trạng suy thoái dòng chảy nghiêm trọng, tăng xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu sông.
- Sự phát triển kinh tế:
Ở nước ta, tài nguyên nước đang chịu những áp lực ngày càng lớn bởi quá trình phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay làm phát sinh những mâu thuẫn trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Thêm vào đó là sự khai thác, sử dụng thiếu ý thức và thiếu sự kiểm soát tài nguyên nước mặt và nước dưới đất đã làm cạn kiệt, khan hiếm nguồn nước. Sự thiếu hiểu biết và thiếu những biện pháp phòng chống ô nhiễm cần thiết cũng làm cho tài nguyên nước suy thoái thêm về chất lượng. Việc xả nước thải sản xuất công nghiệp chưa được xử lý vào sông rạch, ao hồ gây ô nhiễm nước mặt, nước dưới đất. Có nơi còn cho nước thải chảy tràn để tự thấm xuống đất hoặc đào các hố dưới đất để xả nước thải làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tầng nước dưới đất.
Trong lĩnh vực nông nghiệp cũng gây ra những ô nhiễm đáng kể. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa có hệ thống xử lý chất thải nước thải, phần lớn cho vào ao hồ, bể tự hoại để thấm vào đất dễ gây ô nhiễm môi trường đặt biệt là nguồn nước ngầm… Hệ thống tưới tiêu và hình thức tưới tiêu không hợp lý là nguyên nhân gây thất thoát lưu lượng nước lớn trong ngành trồng trọt.
- Tác động của biến đổi khí hậu:
Sự biến đổi của khí hậu toàn cầu đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước. Lượng dòng chảy sông ngòi cũng sẽ biến đổi tuỳ theo mức độ biến đổi của lượng mưa. Ngoài ra, trái đất nóng lên sẽ làm cho nước biển dâng do đó nhiều vùng thấp ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ và ven biển Trung Bộ sẽ bị ngập trong nước biển.
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố tại diễn đàn thế giới lần thứ 3 về nước, tổ chức tại Kyoto (Nhật Bản) từ ngày 16-23/3/2003 cho thấy, nguồn nước sạch toàn cầu đang cạn kiệt một cách đáng lo ngại do sự bùng nổ dân số, tình trạng ô nhiễm môi trường cùng với nhiệt độ trái đất nóng lên sẽ làm mất đi khoảng 1/3 nguồn nước sử dụng trong 20 năm tới.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT), Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố năm 2013 sẽ là Năm hợp tác Quốc tế về nước có chủ đề “Hợp tác vì nước” với thông điệp “Nếu tất cả chúng ta cùng nhau chia sẻ, ai cũng sẽ có cơ hội sử dụng nước”. Ngày nước thế giới 22/3 năm nay đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác vì nước, cũng như đề xuất các giải pháp hướng tới hài hòa trong phân bổ nguồn nước giữa các ngành và các nhóm sử dụng nước.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, học sinh, sinh viên, cộng đồng chia sẻ các sáng kiến trong hợp tác vì nước, và thảo luận các vấn đề liên quan đến giáo dục, ngoại giao, quản lý nước xuyên biên giới, hợp tác tài chính, khung chính sách quốc gia và quốc tế và mối liên kết giữa quản lý tài nguyên nước tới các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Để góp phần cân bằng giữa cung và cầu, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất bền vững thì tất cả chúng ta hãy chung tay cùng nhau quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn nước khan hiếm này mà cụ thể là:
- Đối với các cơ quan nhà nước: Tiếp tục xây dựng các công trình tích nước, hệ thống thủy lợi; sớm thực hiện hoàn chỉnh “Quy hoạch phân vùng khai thác sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải” nhằm kiểm soát số lượng và chất lượng nguồn nước trong khu vực; xây dựng và triển khai quản lý tổng hợp tài nguyên nước; hoàn thiện đội ngũ đồng thời nâng cao năng lực cán bộ để thực hiện tốt vai trò quản lý tài nguyên nước; thực hiện công tác quan trắc tài nguyên nước để theo dõi diễn biến về số lượng, chất lượng nguồn nước khuyến nghị đến các tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước.
- Các tổ chức, cá nhân nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc thực thi pháp luật về tài nguyên nước, cùng với cơ quan nhà nước thực hiện quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước khan hiếm của tỉnh.
Nguyễn Tấn Tùng
Sở Tài nguyên & Môi trường