Thuận Bắc: Tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững

(NTO) Huyện Thuận Bắc có 6 xã, dân số hơn 38.400 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70%. Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, ngành trong huyện quan tâm. Nhiều giải pháp đã được đề ra tạo điều kiện giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên.

Theo thống kê, năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm hơn 46%. Năm 2011 giảm xuống 21,57% và năm 2012 giảm còn 18% (theo tiêu chí mới). Để đạt được những kết quả trên, huyện xác định về cơ bản vẫn lấy nông nghiệp làm ngành sản xuất chính, tập trung mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn. Theo đó, huyện đã sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn do Trung ương và tỉnh hỗ trợ để đầu tư các chương trình trọng điểm như thủy lợi, giao thông, điện, nước sinh hoạt… Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình 134 và 135, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện tiếp tục ưu tiên đầu tư “điện, đường, trường, trạm” cho các xã miền núi, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhằm tiếp tục tạo động lực để thực hiện có hiệu quả công tác xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn.

Hồ thủy lợi Sông Trâu phục vụ tưới cho 3.000 ha đất sản xuất thuộc huyện Thuận Bắc.
Ảnh: Văn Miên

Song song với đầu tư cơ sở hạ tầng, cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; chú trọng sản xuất hàng hóa và hỗ trợ các nguồn vốn để đẩy mạnh khuyến nông. Ông Chamaléa Tá, ở thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải cho hay: Trước đây, tôi chưa hình dung được thế nào là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng giống mới, kỹ thuật mới ra sao để thay thế cho tập quán canh tác cũ. Qua tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do huyện mở và cán bộ nông nghiệp hướng dẫn thêm, chúng tôi đã biết trồng lúa nước thâm canh, trồng cây công nghiệp và cây ăn quả trên đất đồi, dốc… Riêng bản thân tôi nhờ đó mà biết làm ăn, không còn cảnh đói nghèo như mấy năm trước. Cũng nhờ nuôi bò theo mô hình vỗ béo mà tôi đã xây được nhà mới, kinh tế gia đình ổn định hơn.

Áp dụng kỹ thuật nuôi bò vỗ béo, đến nay, gia đình ông Chamaléa Tá (thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải)
đã có đàn bò 11 con, trị giá hơn 100 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình ông ổn định hơn.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Định, Trưởng phòng Lao động-Thương binh & Xã hội huyện Thuận Bắc, một trong những giải pháp quan trọng để địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững đó là việc tranh thủ các dự án giảm nghèo, phát triển ngành nghề, tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho các đối tượng lao động ở khu vực nông thôn. Đến nay đã xây dựng nhiều mô hình tập trung về chăn nuôi, trồng trọt. Mỗi năm tổ chức hàng chục lớp dạy nghề về nông nghiệp, tiểu-thủ công nghiệp và dịch vụ, trong đó riêng hộ nghèo được thụ hưởng từ dự án đào tạo nghề tăng qua hàng năm. Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, huyện chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp tuyển dụng lao động liên kết đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động yên tâm làm việc. Trong 2 năm gần đây, huyện đã tổ chức cho 783 người dân địa phương được tham gia các khóa đào tạo nghề ngắn hạn về trồng trọt, chăn nuôi, thú y, may công nghiệp, sửa chữa máy, cơ-điện và một số nghề truyền thống; đồng thời tạo việc làm cho 2.184 lao động địa phương và giới thiệu 28 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Một “kênh” hỗ trợ giảm nghèo cho địa phương là nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Thông qua các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã duy trì việc ủy thác với Ngân hàng giúp cho các đoàn viên, hội viên được vay các nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, phục vụ học tập. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo như cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền điện cho các hộ chính sách được các ngành chức năng giải quyết kịp thời, đầy đủ. Trong năm 2012, toàn huyện có 109 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở và có 239 hộ gia đình thoát nghèo, cuộc sống cơ bản ổn định.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2013 huyện Thuận Bắc tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 17% với các giải pháp quan trọng: Phát huy hiệu quả từ các công trình thủy lợi nâng tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt trên 10.500ha, áp dụng kỹ thuật tăng năng suất cây trồng, vật nuôi nhằm hạn chế tình trạng đói giáp hạt; kịp thời triển khai chương trình hỗ trợ nông nghiệp-nông thôn-nông dân; tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả; đẩy mạnh chính sách dạy nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Cùng với ưu tiên giảm nghèo ở các xã miền núi khó khăn, chủ trương của huyện là phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển các ngành công nghiệp, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.