Liên minh Châu Âu (EU): Các rào cản thương mại ở Mỹ và Trung Quốc cản trở tăng trưởng kinh tế

Trong báo cáo hàng năm về các rào cản thương mại quốc tế vừa công bố ngày 14-3, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo các rào cản thương mại ở các thị trường chủ chốt như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Braxin, đang cản trở đà tăng trưởng kinh tế.

Brúcxen nhấn mạnh sáu thị trường chủ chốt nêu trên không đạt được nhiều tiến bộ trong việc dỡ bỏ 25 rào cản thương mại đã được nêu trong năm 2012, bất chấp Liên minh châu Âu (EU) đã giành được phần thắng trước Trung Quốc trong cuộc tranh chấp về nguyên liệu thô. Báo cáo nêu rõ các rào cản thương mại của Trung Quốc đã cản trở đầu tư của EU, trong khi Ấn Độ dựng lên các rào cản đối với việc tiếp cận thị trường viễn thông trong nước, còn Braxin áp đặt một loạt thuế nhập khẩu mới để bảo vệ ngành chế tạo ô tô nước nhà. Kể cả Nga - nước phải mất tới 18 năm đàm phán để trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - cũng bị chỉ trích về việc tiến hành một loạt biện pháp bảo hộ, trong đó đa phần không tuân thủ cam kết mà Nga đã đưa ra khi gia nhập tổ chức thương mại này. EU cảnh báo các rào cản thương mại gây tác động tiêu cực tới tương lai của quan hệ thương mại thế giới.

Báo cáo nhấn mạnh mặc dù thương mại với sáu đối tác trên rất lớn, nhưng chưa thể phát huy đầy đủ tiềm năng, do những thị trường này tăng trưởng cực nhanh và nhất là do những nước này "mở cửa" chưa đủ rộng cho hàng hóa xuất khẩu của EU. Để tạo được bước ngoặt, các nước cần tăng cường đàm phán cũng như xem xét lại toàn bộ cách thức để giải quyết các tranh chấp thương mại này.

Sáu thị trường mục tiêu nêu trên được đánh giá giữ vai trò sống còn đối với thương mại, do xuất khẩu sang những nước này dự báo sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của EU trong tương lai. EC nhận định xuất khẩu của EU giai đoạn 2012-2014 trung bình tăng trưởng 3,6%.

Báo cáo của EC được công bố vào thời điểm EU gồm 27 thành viên đang tích cực đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Ấn Độ và Braxin, đồng thời tiến hành đàm phán với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).

Các nhà lãnh đạo EU cũng có những mục tiêu tương tự trong các cuộc đàm phàn thương mại với Mỹ và Nhật Bản trong những tháng tới, với hy vọng các FTA với hai nước này sẽ mang lại tăng trưởng kinh tế và việc làm. Báo cáo lưu ý đến năm 2015, có tới 90% tăng trưởng kinh tế được tạo ra bên ngoài EU. Sau khi vòng đàm phán thương mại Đôha do WTO khởi xướng không tiến triển, EU cũng chú trọng việc tiến hành đàm phán với một loạt nước, từ các nước ở Bắc Phi, Trung Đông đến Inđônêxia hay Việt Nam.

Theo TTXVN